Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Một số điểm mới trong Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”, Khu dân cư văn hóa

27/09/2018 | 09:00

Sau 18 năm triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, lần đầu tiên, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018).

Tiêu chuẩn đạt Gia đình văn hóa nêu trong Nghị định có 3 nhóm với 24 tiêu chí. Ảnh minh họa (nguồn: Người Tiêu Dùng)

Phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa trong đời sống

Sự ra đời của Nghị định 122/2018/NĐ-CP là bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nội dung Nghị định có nhiều điểm mới so với Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.

Trước tiên, sự ra đời của Nghị định đánh dấu điểm nhấn quan trọng đạt được về mặt nhận thức - xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng không thuần túy là phong trào, là công việc của chỉ riêng ngành văn hóa mà của toàn xã hội, trong đó vai trò, trách nhiệm về quản lý nhà nước được quy định cụ thể. Đây là điều kiện quan trọng, thống nhất về khung pháp lý, nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện Nghị định.

Nghị định lần này quy định cụ thể danh hiệu gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa theo hướng mở, định lượng được và có tính dự báo trước tác động bởi sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu lao động, nhất là lao động nông thôn, về tốc độ đô thị hóa và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiêu chuẩn đạt Gia đình văn hóa nêu trong Nghị định có 3 nhóm với 24 tiêu chí (Thông tư 12/2011/TT-Bộ VHTTDL có 3 nhóm với 11 tiêu chí); bao quát hầu hết các lĩnh vực, các tiêu chí lần này nêu trong Nghị định đạt độ tiệm cận hoặc cao hơn mức chuẩn so với một số nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nội hàm các tiêu chí dễ định lượng, xác định được mức độ đạt và không đạt khi thực hiện bình xét; các tiêu chí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa chủ đạo trong đời sống gia đình. Nội dung các tiêu chí phản ánh được đặc trưng văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, có giá trị định hướng để giữ gìn và phát triển những đặc trưng tốt đẹp, đạo đức, phẩm chất cao quý của truyền thống gia đình.

Nghị định cũng quy định cụ thể 07 nhóm trường hợp không được xét tặng gia đình văn hóa (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL không quy định). Đây là điểm mới, cụ thể, giúp cho việc bình xét được thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa tính hình thức trong quá trình bình xét danh hiệu.

Tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa bao gồm 5 nhóm nội dung với 27 tiêu chí cụ thể (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL có 5 nhóm nội dung, 22 tiêu chí). Hầu hết nội dung các tiêu chí nêu trong Nghị định được cụ thể hóa, phù hợp với các quy định hiện hành về đánh giá hộ nghèo đa chiều, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các tiêu chí dễ đánh giá, quan sát, dễ định lượng trong hoạt động bình xét.

Đặc biệt, các tiêu chí phản ánh yêu cầu từ thực tế, phù hợp với môi trường ở nông thôn và thành thị, tránh được tính hình thức, chạy đua theo thành tích, đánh giá không thực chất tình hình. Nghị định cũng quy định 03 trường hợp không xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa (điều 13) nếu để xảy ra tình trạng có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL không có nội dung này).

Ngoài ra, hình thức tôn vinh, khen thưởng cũng được Nghị định quy định rõ cho cả hai chủ thể. Đối với gia đình gồm danh hiệu Gia đình văn hóa và Giấy khen Gia đình văn hóa. Tương tự, đối với Khu dân cư gồm danh hiệu Khu dân cư văn hóa và Giấy khen Khu dân cư văn hóa. (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL chỉ quy định cấp danh hiệu văn hóa). Hồ sơ, trình tự công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, tặng Giấy khen Gia đình văn hóa; danh hiệu Khu dân cư văn hóa và Giấy khen Khu dân cư văn hóa được quy định cụ thể, rõ trách nhiệm từ cấp thôn, ấp, tổ dân phố đến thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn giải quyết của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương làm cơ sở để Ban Chỉ đạo phong trào các cấp đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Phong trào ở các địa bàn dân cư.

Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lĩnh vực quản lý nhà nước, nhấn mạnh yêu cầu về trách nhiệm công vụ trong thực thi nhiệm vụ thực hiện việc tặng danh hiệu, giấy khen gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Nghị định còn quy định về thực hiện công khai thủ tục hành chính và kết quả thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền; về kiểm soát thủ tục hành chính theo các quy định hiện hành. Đây là những điểm rất mới, khẳng định rõ yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng văn hóa trong gia đình và cộng đồng, siết chặt kỷ cương trong xét, tặng danh hiệu và khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Nghị định yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “Ưu tiên bố trí, sắp xếp nhân sự, bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện xét tặng danh hiệu, Giấy khen Gia đình văn hóa và danh hiệu, Giấy khen Khu dân cư văn hóa theo quy định của pháp luật hiện hành” (Mục 4, Điều 20, Nghị định 122/2018/NĐ-CP). Quy định này tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp, đồng thời là cơ sở thống nhất trong việc bố trí nguồn lực con người và vật chất để triển khai thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình và cộng đồng dân cư.

Trong phần hiệu lực thi hành, Mục 2, Điều 21, Nghị định nêu rõ: “Bãi bỏ khoản 3 Điều 50 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng”. (Bộ VHTTDL quy định và hướng dẫn tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”).

Có thể nói, đây là sự tham mưu quyết liệt của Bộ VHTTDL, sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu quyết tâm để thể chế hóa thủ tục, trình tự vinh danh kết quả xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội về xây dựng và phát triển văn hóa con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra./.

Lê Thảo

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×