Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài"

28/08/2023 | 09:00

Bằng nhiều việc làm và hành động cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hiện thực hóa các nội dung trong Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài". Đây là những bước đi vững chắc để phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản áo dài vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng.

Phục hưng di sản văn hóa truyền thống áo dài

Nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; Tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển; Khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và ban hành Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài".

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế là vùng đất gắn bó với quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế.

Mục tiêu của Đề án "Huế - Kinh đô áo dài", đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; Xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài"; Hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài Huế phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Phan Thanh Hải, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đây chính là căn cứ vững chắc để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng, phục hồi và phát triển di sản áo dài Huế vì mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững của Cố đô Huế. Phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài" của Việt Nam là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng.

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" - Ảnh 2.

Trưng bày, triển lãm về áo dài Huế.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở VHTT nghiên cứu, triển khai Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương "phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế" mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021, trong đó một trong năm quan điểm cơ bản là: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Triển khai thành công đề án này sẽ là một ví dụ cụ thể, điển hình về việc đóng góp của công nghiệp văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Chính phủ phấn đấu sẽ đạt khoảng 7% GDP của quốc gia vào năm 2030", ông Phan Thanh Hải cho hay.

Đưa đề án đi vào đời sống bằng những hành động thực tế

Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định phê duyệt vào tháng 3/2023, tuy nhiên ngay từ thời điểm tháng 8/2021, khi đề cương của đề án vừa được phê duyệt, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt tay vào việc triển khai các nội dung liên quan.

Bên cạnh những công việc mang tính chuyên môn như tổ chức hội thảo khoa học, sưu tầm, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản… Đơn vị này cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để lan tỏa và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài. Tìm cách đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ chào cờ nơi công sở, trong đón tiếp khách ngoại giao…

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế.

Có thể kể đến những việc làm, hành động thực tế như tổ chức thường niên Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế với chuỗi các hoạt động tri ân, quảng diễn, trình diễn áo dài Huế, biểu diễn nghệ thuật, hội thảo, tọa đàm kết hợp tôn vinh hình ảnh áo dài. Tất cả các hoạt động hưởng ứng tại tuần lễ như: Áo dài với môi trường, Áo dài di sản, Áo dài xưa, Áo dài đương đại, Áo dài và cuộc sống, Áo dài và nghệ thuật, Áo dài học đường,… đều tập trung vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm chủ thể. Thông qua cộng đồng để góp phần tuyên truyền, quảng bá hiệu quả áo dài Huế, văn hóa Huế gắn với quảng bá, xúc tiến về du lịch đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người.

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" - Ảnh 4.

Lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đông đảo người dân tham gia các hoạt động thuộc Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài".

Hay như, UBND thành phố Huế đã đăng ký bảo hộ thành công Chứng nhận nhãn hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài". Bên cạnh đó, còn có các hoạt động khuyến khích vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tiểu thương các chợ trên địa bàn, đặc biệt là chợ Đông Ba mang áo dài trong những dịp cuối tuần, các sự kiện chính trị, văn hóa du lịch của tỉnh.

Hội LHPN các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu phụ nữ Huế gắn với áo dài Huế với việc thành lập và ra mắt mô hình áo dài "Phụ nữ Thừa Thiên Huế - đồng hành cùng sắc tím"; Đồng hành, hưởng ứng cuộc vận động cán bộ nữ công chức mặc trang phục áo dài vào sáng thứ hai đầu tuần tại nơi làm việc và vào các ngày lễ lớn của phụ nữ; Thành lập mô hình "Tủ áo dài yêu thương" trao tặng hàng nghìn chiếc áo dài đến các hội viên phụ nữ khó khăn; Tổ chức các hội thi, giao lưu, trình diễn áo dài như: "Áo dài với di sản văn hóa Huế", "1.000 phụ nữ mặc áo dài nhảy dân vũ",...

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã; các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá về áo dài Huế, áo dài Việt Nam. Khuyến khích vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên mang áo dài trong những dịp cuối tuần, các sự kiện chính trị, văn hóa du lịch của tỉnh.

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở may và cho thuê áo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tại các điểm du lịch, không khó bắt gặp hình ảnh du khách mang áo dài tham quan. Du khách đến Huế yêu thích tà áo dài, tìm đến tà áo dài nhiều hơn là tín hiệu tích cực, một trong những thành công bước đầu từ khi đề án được triển khai.

Mô hình văn hóa tiêu biểu: Những tín hiệu tích cực nhìn từ Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" - Ảnh 5.

Du khách mang áo dài tham quan tại các điểm du lịch tại Huế.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những ưu đãi như miễn vé cho du khách là phụ nữ mang áo dài khi tham quan tại các điểm di tích vào các dịp lễ 8/3, 20/10… Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trình hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, thời gian qua, có thể nói phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã và đang được nhiều người quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng.

Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành văn hóa và các ban, ngành liên quan, và đặc biệt là với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng nhân dân địa phương, tin tưởng rằng Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" sẽ được triển khai thành công.

Sau khi được phê duyệt, Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giá trị áo dài. Hình thành tập quán, thói quen mặc trang phục áo dài trong các dịp nghi lễ truyền thống và các hoạt động không gian cảnh quan phù hợp. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ hình ảnh áo dài, đưa áo dài phổ biến trong đời sống xã hội. Khẳng định Huế là nơi hình thành, bảo tồn và phát triển của áo dài Việt Nam, hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển các ngành nghề: du lịch, thương mại, may đo áo dài, lưu trú, ẩm thực; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tạo nguồn thu cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương dựa vào những đóng góp của các ngành nghề trên. Tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài ra, sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá, gìn giữ giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống về áo dài cho người dân và du khách. Thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về văn hóa áo dài, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, di sản và các loại hình du lịch khác cùng phát triển. Tạo các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa, du lịch đặc trưng và nổi tiếng phục vụ du khách khi đến Huế.

Đề án phát triển sẽ tạo nguồn thu để tái đầu tư cho công nghệ thực tế ảo, 3D, 5D trong hoạt động bảo tàng, biểu diễn, đào tạo, thương mại. Thúc đẩy hoạt động lưu trữ qua không gian số cho các hiện vật, lịch sử, truyền thống về áo dài, nghề may đo. Thúc đẩy phát triển các ngành nghề công nghiệp văn hóa liên quan đến áo dài./.

Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×