Mở cửa du lịch: Tạo điều kiện tối đa cho khách đến Việt Nam
19/02/2022 | 17:36Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ 15/3.
Đây được coi là những nỗ lực nhằm sớm phục hồi của ngành du lịch Việt nam sau một khoảng thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh. Thông tin Chính phủ Việt Nam chính thức mở cửa du lịch sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu đã nhận được sự quan tâm của quốc tế. Sau khi thông tin được công bố, rất nhiều tờ báo uy tín thế giới như Reuters, CNN, The Japan News, The Star… đều đồng loạt đăng tải tin vui này.
Theo dữ liệu phân tích trên công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch), lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam kể từ cuối năm 2021 đã tăng dần và tăng đột biến trong những ngày đầu tháng 2 năm 2022. Lượt tìm kiếm vào thời điểm từ ngày 1/2/2022 tăng 228% so với cùng kỳ năm ngoái và đến ngày 3/2 đã tăng tới 426% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy, đây là một tín hiệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam năm 2022 có thể phục hồi mạnh mẽ và cũng là lúc triển khai các kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế và nội địa.
Công cụ Google Destination Insights thống kê lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh kể từ đầu năm 2022.
Thời điểm được mong đợi từ lâu
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ quốc, các chuyên gia đều đánh giá đây là thời điểm rất đúng lúc để mở cửa du lịch.
PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá, việc Chính phủ cho phép mở cửa lại thị trường khách quốc tế là điều được mong đợi từ rất lâu. Đây là cơ hội để phục hồi lại ngành du lịch của Việt Nam, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Với du khách quốc tế này, chúng ta vẫn nên tập trung vào các thị trường chiến lược, trọng tâm đã xác định như: Tây Âu, Bắc Mỹ , Đông Bắc Á….
Tuy nhiên, sau hai năm Covid-19, thị trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Đơn cử, Trung Quốc từng là thị trường rất lớn của thế giới, nhưng với chính sách zero Covid-19 của quốc gia này, sẽ gần như không có khách du lịch đến từ Trung Quốc. Bởi vậy, chúng ta sẽ phải chủ động khai thác sớm những thị trường khác cởi mở hơn về chính sách du lịch và đi lại.
Đây là thời điểm rất tốt để mở cửa du lịch.
Đồng quan điểm như vậy, ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nhận định đây là thời điểm vừa chín tới không sớm không muộn. Thời điểm tháng 3 là vừa đẹp khi mà chương trình thí điểm đón khách du lịch được triển khai từ tháng 11/2021 đến ngày 10/2/2022 đã có nhiều kết quả tích cực.
Thời tiết miền Nam trong giai đoạn này thuận lợi và rất phù hợp để đón các đoàn khách châu Âu, miền Bắc vẫn mưa rét thì tính mùa vụ vẫn còn. Chúng ta có thể tập trung vào những thị trường khách ở Bắc Á, Đông và Tây Âu là nhóm khách đang háo hức tới du lịch tại Việt Nam. Riêng với thị trường nội địa nên tập trung khai thác lượng khách từ miền Bắc di chuyển vào miền Nam tránh rét và khách từ miền Nam ra miền Bắc để thưởng thức du lịch mùa đông.
Cần có sự kết hợp đồng bộ khi mở cửa du lịch
"Vẫn biết rằng, việc mở cửa du lịch là rất cần thiết, nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị hành trang thế nào để đạt được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?". Trước câu hỏi này, ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh, chúng ta phải tạo điều kiện tối đa cho khách đến Việt Nam và phải thật sự mở cửa theo đúng tinh thần mở cửa. Đây không phải câu chuyện mới nhưng phù hợp với tình cảnh hiện tại.
Cụ thể, 2 nhóm điều kiện cần được quan tâm đặc biệt là điều kiện về Visa và điều kiện về đảm bảo an toàn phòng dịch.
Việc khôi phục miễn cấp visa cho 24 nước và giới hạn thời gian đến Việt Nam trong 15 ngày vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế của khách du lịch. Do đó, cần nghiên cứu và mở rộng cho những nhóm khách tiềm năng có nhu cầu ở lâu hơn từ vài tuần cho đến hàng tháng.
Địa phương cần chuẩn bị các phương án cũng như sản phẩm phù hợp để nhanh chóng quay trở lại "đường đua" du lịch của thế giới. (Ảnh minh họa : Nam Nguyễn)
Về vấn đề y tế, việc gỡ bỏ các rào cản với khách du lịch quốc tế là cần thiết nhưng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định. Bởi vậy, chúng ta cần những phương án để quản trị rủi ro. Đồng thời có kịch bản ứng phó với những vấn đề khó lường.
Ví dụ như việc lên phương án khi khách nhiễm Covid-19, bồi thường cho khách và doanh nghiệp khi đến các tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng dịch, hay nếu lỡ du khách đến mang theo biến chủng Covid mới thì sao?,…. Nếu giải quyết được những vấn đề này, chúng ta mới có thể quay trở lại "đường đua" du lịch thế giới.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho rằng ngoài tháo gỡ việc miễn cấp thị thực, chúng ta cần một sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ban ngành và địa phương. Chính sách an ninh du lịch cần chú trọng hơn nữa thì mới có thể thu hút được khách du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần nghiên cứu lại các sản phẩm du lịch sau Covid -19, không nên áp dụng các sản phẩm cũ vào thời điểm này. Đặc biệt, địa phương cũng cần đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm mới tới các nước có nhiều khách du lịch tới Việt Nam.
Bà Dương Thị Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đề xuất chúng ta nên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới độc đáo riêng của Việt Nam. Mặt khác các địa phương cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách để từ đó tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên đấu trường quốc tế.