Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến

31/12/2022 | 07:44

Có lẽ không nơi đâu như dải đất miền Trung, nơi di sản nối liền di sản, nơi vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên gắn liền với một kho tàng văn hóa đồ sộ. “Miền di sản diệu kỳ” này đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Xây dựng khối liên kết 5 địa phương miền Trung đang được kỳ vọng sẽ kết nối các di sản để vươn tầm điểm đến. Nhưng đằng sau đó là những bài toán cần sự góp sức, đồng lòng “gỡ” khó không chỉ từ phía các nhà quản lý.

Những bước đi đầu tiên 

Năm 2022 đánh dấu bước tiến mới trong liên kết du lịch 5 địa phương miền Trung (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) khi mà sự liên kết không còn chỉ là những kết nối nhỏ lẻ mà trở thành thỏa thuận hợp tác cùng nhau phát triển.

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 1.

Tháng 4/2022, Ngành Du lịch 5 địa phương ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác

Liên kết được xây dựng trên cơ sở mở rộng từ liên kết du lịch nhóm 3 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, tiếp đó là sự tham gia của Quảng Bình và Quảng Trị. Khối liên kết này nhằm mở rộng không gian du lịch và tạo điều kiện cho các địa phương vượt qua ranh giới hành chính, cùng hỗ trợ nhau phát triển du lịch, không chỉ trong công tác quản lý mà còn là xây dựng sản phẩm, tăng thêm nhiều trải nghiệm cho du khách.  

Là trưởng khối liên kết trong năm 2022, Sở Du lịch Quảng Bình đóng vai trò kết nối, xây dựng các hoạt động, tạo cơ hội để thành viên khối liên kết, duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch.

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 2.

5 địa phương cùng tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2022

Ngành Du lịch các tỉnh, thành đã phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, phối hợp xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của 5 địa phương là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và văn hóa, du lịch cộng đồng.

Năm 2022, mỗi địa phương đã tổ chức hàng loạt các sự kiện tiêu biểu, như: Quảng Bình quảng bá hang Sơn Đoòng-hang động tự nhiên lớn nhất thế giới trên trang chủ của Google đến 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Quảng Trị tổ chức các hoạt động hướng đến các ngày lễ lớn; Thừa Thiên Huế tổ chức Festival 4 mùa với chuỗi hoạt động lễ hội; Đà Nẵng nổi trội với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu Việt Nam; Quảng Nam đăng cai năm Du lịch Quốc gia 2022 với nhiều hoạt động, sự kiện xuyên suốt trong năm…

Nhiều chương trình famtrip, presstrip khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch chung diễn ra trong suốt một năm qua đã nối gần lại những điểm đến, hiện thực hóa những kế hoạch phát triển sản phẩm. 

Các địa phương đã có nhiều nỗ lực, kịp thời tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch để thu hút khách du lịch. Các chương trình mang lại hiệu ứng khá tốt, kích thích được làn sóng du khách quay trở lại.

“Bên cạnh các hoạt động riêng của mỗi địa phương, khối liên kết đã phối hợp triển khai theo kế hoạch các hoạt động tạo được những dấu ấn tích cực, như các hội chợ; tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại Tây Nguyên và hợp tác phát triển với Hải Phòng, Quảng Ninh. Tính đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, ngành du lịch của 5 địa phương đã gần như hồi phục hoàn toàn so với giai đoạn trước Covid-19”, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ.

Hiệu quả từ sự chung tay

Mặc dù liên kết 5 địa phương mới chỉ hình thành và bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình dài nhưng đã mang đến những hiệu quả tích cực. Việc liên kết giữa các địa phương trong một khẩu hiệu “Miền di sản diệu kỳ” đã góp phần liên kết các di sản thiên nhiên, văn hóa trong khu vực.

Khi liên kết ra đời và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, thay vì chỉ trải nghiệm 1, 2 sản phẩm ở một vài địa phương, du khách sẽ có nhu cầu muốn trải nghiệm tất cả các sản phẩm thuộc “miền di sản” cũng là điều dễ hiểu.

Tháng 10/2022, sau khi trải nghiệm du lịch Đà Nẵng, Huế, du thuyền du lịch quốc tế cao cấp của hãng Ponant (Pháp) đã đưa hàng trăm khách du lịch cập cảng Hòn La, tiếp tục hành trình khám phá Quảng Bình.

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 4.

Du thuyền du lịch quốc tế cao cấp của hãng Ponant (Pháp) đưa hàng trăm khách du lịch cập cảng Hòn La, tiếp tục hành trình khám phá Quảng Bình

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, với vai trò là cửa ngõ, thời gian qua, Đà Nẵng đã đón được lượng khách rất lớn. Để đạt được kết quả này phải nhờ vào thương hiệu di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới đang có mặt tại các địa phương miền Trung.

“Việc liên kết sẽ góp phần chia sẻ nguồn khách, giúp kéo dài thời gian lưu trú và cũng là cách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp miền Trung có thể vươn ra, hội nhập cạnh tranh được với doanh nghiệp ở 2 đầu đất nước và trong khu vực”, ông Bình đánh giá. 

Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên hậu Covid-19, “Miền di sản diệu kỳ” Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam hứa hẹn vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, điểm phải đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Liên kết được xây dựng với quyết tâm thay đổi dần vị thế, nâng tầm điểm đến du lịch miền Trung, buộc các địa phương phải thực sự dấn thân mạnh mẽ.

Là địa phương cuối cùng nhập cuộc cùng khối liên kết, Quảng Trị bắt đầu nhận được những tín hiệu tích cực từ việc phát triển sản phẩm, mà thành công nhất có lẽ là sự bắt tay của cả ngành Du lịch địa phương, như khẳng định của ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Trị: “Các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Quảng Trị rất nỗ lực, có ý thức chung trong việc xây dựng sản phẩm vì bản thân ngành du lịch là không có biên giới...”.  

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 5.

Trải nghiệm du lịch hang động Quảng Bình

Các sản phẩm liên vùng đã tạo được một hành trình trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Các doanh nghiệp kết nối với nhau thuận lợi hơn trong việc khai thác, chia sẻ thị trường khách du lịch cũng như hình thành các sản phẩm du lịch mới cho chính doanh nghiệp mình.

Anh Nguyễn Ngọc An, Công ty Connect Travel (Thừa Thiên Huế) cho biết, với khối liên kết này, đơn vị có thể dễ dàng kết nối với các công ty lữ hành ở các tỉnh, thành miền Trung để xây dựng sản phẩm. Hiện, Connect Travel có tour đạp xe dọc đường Hồ Chí Minh đi qua 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. 

Liên kết nhưng phải bền vững

Từ liên kết của ngành Du lịch các địa phương mà năm 2022 có thể xem là năm với nhiều chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trong liên kết hợp tác phát triển du lịch. Tuy nhiên, liên kết chỉ mới là câu chuyện của những nhà quản lý, riêng vai trò của doanh nghiệp còn khá mờ nhạt.

Trước những nỗ lực của ngành Du lịch các địa phương, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc, thậm chí chưa nắm bắt được sự tồn tại của khối liên kết này. Trong khi đó, không ai khác, doanh nghiệp chính là đối tượng hưởng lợi trực tiếp khi xây dựng được các sản phẩm du lịch liên vùng. Để liên kết bền vững, lâu dài, cần cái bắt tay chặt chẽ giữa nhà quản lý và nhà doanh nghiệp.

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 6.

Quảng Nam-thành viên khối liên kết nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng

Nếu như trước đây, quảng bá du lịch ở các tỉnh, thành miền Trung theo hướng tự phát thì từ khi thực hiện liên kết, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đã được tiến hành một cách bài bản hơn. Thế nhưng, trong cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo ngành Du lịch 5 địa phương, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra rằng, việc quảng bá chỉ mới dừng lại ở giới thiệu các sản phẩm riêng có, chưa xây dựng sản phẩm chung.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định, việc cần làm là tìm thấy được điểm giao thoa của 5 địa phương để xây dựng sản phẩm chung, từ đó mới nghĩ đến việc tìm thị trường phù hợp.  

"Muốn du khách đến đông và quay lại nhiều lần hơn, thì trước hết, du lịch các địa phương phải thay đổi cách làm, liên kết chặt chẽ, tạo ra sản phẩm làm nên sự khác biệt", ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Trưởng Khối liên kết năm 2023 bày tỏ.

Miền Trung kết nối di sản, vươn tầm điểm đến - Ảnh 7.

Du khách chiêm ngưỡng Bà Nà Hill (Đà Nẵng) bằng cáp treo

Liên kết không phải chỉ dừng lại ở việc thống nhất 1 slogan, một bộ nhận diện thương hiệu mà phải là sự “kề vai, sát cánh”, tạo tiếng nói chung đề xuất với các cơ quan Trung ương các vấn đề liên quan đến quy hoạch du lịch, quy chế, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, gỡ khó cho các địa phương...

Quay lại câu chuyện sự vào cuộc của doanh nghiệp với việc xây dựng sản phẩm liên kết vùng, ông Văn Bá Sơn khẳng định: “Tất cả các hoạt động nếu không có sự ủng hộ của doanh nghiệp thì không thể nào thực hiện được. Chính doanh nghiệp mới xây dựng và duy trì được các sản phẩm chứ không phải là các cơ quan quản lý nhà nước. Và không ai khác, chính doanh nghiệp mới hiểu được du khách cần gì và lợi thế của mỗi địa phương là gì?”.

Theo Báo Quảng Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×