Miền di sản diệu kỳ - Liên kết kích cầu du lịch tới du khách Đồng bằng sông Cửu Long
26/04/2021 | 13:00Chương trình "Miền di sản diệu kỳ" được tổ chức nhằm kích cầu du lịch ba địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tới du khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vừa qua, tại Cần Thơ, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp cùng Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình "Miền di sản diệu kỳ" nhằm kích cầu du lịch ba địa phương tới du khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Trưởng nhóm liên kết ba địa phương, đây là chương trình nối tiếp các hoạt động kích cầu, xúc tiến du lịch nội địa của Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
So với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có nhiều nét khác biệt, đặc trưng với các di sản văn hóa thế giới, nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí hiện đại. Vì vậy, điểm đến sẽ là lựa chọn lý tưởng với những trải nghiệm mới dành cho du khách từ miền Tây Nam Bộ.
Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận là thị trường giàu tiềm năng của du lịch 3 địa phương.
Từ ngày 29/4, mỗi tuần sẽ có 14 chuyến bay từ Cần Thơ đi Đà Nẵng và ngược lại, do các Hãng hàng không Vietnam Airlines (4 chuyến/tuần), Vietjet Air (7 chuyến/tuần) và Bamboo Airways (3 chuyến/tuần) khai thác.
Các hãng bay dự báo hiệu suất bay trong dịp lễ 30/4 và 1/5 có thể đạt từ 80% trở lên.
Trong chương trình kích cầu du lịch của ba địa phương tại Cần Thơ, các sản phẩm du lịch, sự kiện nổi bật của điểm đến đã được giới thiệu đến cộng đồng du lịch tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nổi bật là bốn loại hình du lịch điểm nhấn: du lịch cảnh quan thiên nhiên, du lịch di sản văn hóa, du lịch golf và du lịch sự kiện-lễ hội.
Cụ thể, với du lịch cảnh quan thiên nhiên, ba địa phương có các điểm đến nằm trong tốp các cảnh quan đẹp nhất thế giới như Vịnh Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã, biển An Bàng...
Ở loại hình du lịch di sản văn hóa, ba địa phương giới thiệu Quần thể cố đô Huế, Phố cổ Hội An...
Loại hình du lịch golf được 3 địa phương thiết kế dựa trên cụm các sân golf tiêu chuẩn quốc tế của vùng như Lăng Cô, Laguna, Golf Course, Bà Nà Hills Golf Course...
Khi tham gia trải nghiệm loại hình du lịch này, du khách không chỉ được thỏa mãn đam mê với bộ môn thể thao sang trọng mà còn được kết nối với các tiện ích trong chuỗi hoạt động nghỉ dưỡng, ẩm thực...
Đến với du lịch sự kiện-lễ hội, du khách sẽ không thể quên được những sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức tại 3 địa phương này như Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, Đại hội thể thao các bãi biển châu Á, Lễ hội Sen Huế, Lễ hội Lân Huế...
Góp ý trao đổi về định hướng kết nối phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ba địa phương Đà Nẵng-Huế-Quảng Nam, ông Vũ Tường Thái Bảo - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Đất Tây Đô - cho rằng việc các hãng bay liên tiếp mở rộng đường bay giữa các địa phương là cơ hội, nền tảng để thúc đẩy phát triển du lịch.
Để thu hút khách du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của miền Trung cần chú ý hơn nữa đến thói quen, sở thích riêng có của nhóm du khách này. Theo đó là cần có sự linh hoạt và sáng tạo hơn trong các kịch bản thuyết trình tại các điểm đến, tránh nặng lý thuyết và dài dòng; có thêm nhiều điểm "check in" đẹp mắt, tươi mới xen kẽ giữa các di tích lịch sử trầm mặc...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn nhận định nhu cầu kết nối phát triển du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh, thành miền Trung là rất lớn, vì thế lãnh đạo các cấp đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi để đưa ra các giải pháp khả thi trong thời gian tới.
Hơn nữa, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng các công ty du lịch, lữ hành, lưu trú... để vực dậy ngành du lịch đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.