Lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp: Cơ hội và thách thức
27/05/2021 | 14:29Phân khúc lưu trú cao cấp đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh và hứa hẹn bùng nổ trong giai đoạn tới đây với nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, để loại hình này trở thành sản phẩm du lịch chất lượng và cân đối được nguồn cầu sau dịch Covid-19 không phải là điều dễ dàng.
Dần mở rộng không gian phân bố
Cách đây gần 20 năm, một số resort, khu nghỉ dưỡng ra đời bên bãi biển Cửa Đại đã mở đầu cho sự phát triển của loại hình lưu trú cao cấp này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Sau đó, với lượng du khách cả quốc tế lẫn nội địa đến Quảng Nam tăng trưởng vượt bậc qua từng năm, các khu nghỉ dưỡng này cũng dần mở rộng không gian phân bố cũng như đa dạng hơn phân khúc sản phẩm.
Thống kê của Sở VHTTDL, đến thời điểm năm 2020, Quảng Nam có 30 khách sạn 4 sao và 5 sao với tổng cộng 4.696 phòng. Loại hình khu nghỉ dưỡng cao cấp này không chỉ còn gói gọn trong địa bàn TP.Hội An mà đã xuất hiện ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành.
Trong đó, một số khu nghỉ dưỡng đã được vinh danh tại các giải thưởng tầm cỡ quốc tế, góp phần không nhỏ tăng thêm thương hiệu du lịch địa phương như The Nam Hai Four Season Resort (Điện Bàn), Hoiana (Duy Xuyên), Silk Sense Hội An River Resort (Hội An)… Đây là nền tảng tốt để Quảng Nam có thể thu hút dòng khách cao cấp với chi tiêu cao trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL cho hay, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng nhiều dự án phức hợp, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu đẩy nhanh tiến độ, ký kết hợp tác vận hành với một số đối tác quản lý khách sạn uy tín hàng đầu thế giới. Khi đi vào hoạt động, các dự án này hứa hẹn sẽ mở ra thêm sản phẩm phong phú trong phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, với nhiều khu lưu trú đã khẳng định được thương hiệu, những năm tới đây Hội An sẽ chú trọng khai thác thị trường khách nội địa nghỉ dưỡng dài ngày trung, cao cấp, nghỉ dưỡng theo gia đình gắn với mục đích tâm linh, chăm sóc sức khỏe.
Lo ngại sau dịch bệnh
Loại hình lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh là tín hiệu vui cho ngành du lịch mặc dù vậy cũng để lại không ít băn khoăn. Một con số đáng lưu tâm, vào năm 2019, khi ngành du lịch đang ở trên đỉnh, thì tổng lượng phòng khách sạn trên địa bàn tỉnh tăng đến 23% trong khi lượng khách lưu trú chỉ tăng 9% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân trên địa bàn tỉnh năm 2019 chỉ chừng 50%. Con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15% trong năm 2020.
Với rất nhiều dự án resort dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, việc cân đối được công suất phòng đảm bảo vận hành là điều hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Có thể thấy, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp đang triển khai chú trọng phát triển phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng để vớt vát trong thời điểm nguồn cung khách du lịch hết sức chật vật. Tuy nhiên, qua báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam (đơn vị cung cấp giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản), nhóm bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng và khu vực lân cận gần như "đóng băng" trong suốt năm 2020 bởi dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: "Quảng Nam có lợi thế lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp ở khu vực vùng đông nhưng không thể suốt dọc bờ biển chỗ nào cũng làm resort sẽ không tạo ra được dấu ấn. Vùng đệm giữa Hội An và Đà Nẵng cần phải quy hoạch, thu hút các dự án phát triển dịch vụ - giải trí sầm uất khác biệt để tạo ra điểm nhấn kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách du lịch".
Đại diện quản lý khu nghỉ dưỡng Tui Blue Nam Hoi An (Núi Thành) nhìn nhận, thời gian tới các đoàn khách quốc tế đến bằng chuyến bay charter nếu chỉ lưu trú trong khu nghỉ dưỡng của đơn vị sẽ khá nhàm chán. Nếu được cho phép, Tui Blue Nam Hoi An sẵn sàng thực hiện liên kết với các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh có các dịch vụ như golf, giải trí có thưởng để tạo ra sự mới mẻ cho du khách.