Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Long An: Trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử

06/05/2023 | 18:53

Nhiều năm qua, công tác xây dựng, nâng cấp, trùng tu các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Các công trình trở thành địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Long An: Trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử - Ảnh 1.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt được xây dựng với quy mô lớn

1. Cuối năm 2020, DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt được khánh thành trong niềm vui của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng và người dân xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Khu vực Đồn Long Khốt được công nhận là DTLS cấp Quốc gia năm 2019. Đây là nơi ghi dấu những cống hiến, hy sinh của CBCS Sư đoàn 5; các đơn vị phối hợp trong giai đoạn 1972-1975 và chiến công 43 ngày đêm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978.

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Từ tháng 6/1972 đến ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 phối hợp lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận đánh ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến phòng thủ của địch ở Đồng Tháp Mười.

Trong đó, tiêu biểu là 2 trận tấn công quy mô vào Chi khu Long Khốt (tháng 6/1972 và tháng 4/1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Hàng trăm CBCS của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã nằm lại nơi đây.

Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt) thêm một lần nữa là điểm giao tranh rất ác liệt. Trải qua 43 ngày đêm, từ ngày 14/01 đến 27/02/1978, Đồn Long Khốt đánh lùi 21 đợt tiến công của địch, chiến đấu 28 trận, tiêu diệt 55 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương. Cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình sưu tầm, thống kê, giai đoạn 1972-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long Khốt.

Để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, nhân dân và các cựu chiến binh xây dựng nơi đây một đền thờ liệt sĩ. Năm nào cũng vậy, đúng vào ngày 19/5, người dân, CBCS, cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 đều tổ chức lễ tưởng nhớ Bác Hồ và lễ giỗ liệt sĩ.

Đền thờ liệt sĩ trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, đến năm 2020, DTLS Khu vực Đồn Long Khốt được xây dựng với quy mô lớn, gồm: Đền thờ, nhà khách, nhà ăn, nhà lục giác, cổng tam quan, bến thả hoa đăng,... trong khuôn viên rộng, đẹp, có tường rào bao quanh khiến ai nấy cũng nức lòng. Quan trọng hơn, toàn bộ kinh phí xây dựng trên 50 tỉ đồng đều được xã hội hóa.

Long An: Trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử - Ảnh 2.

Từ khi được xây dựng, Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt trở thành điểm viếng thăm, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Bình từng chia sẻ: “Tôi thật lòng biết ơn chính quyền và người dân nơi đây luôn nhớ tới các chiến sĩ đã hy sinh. Mỗi lần về đây thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội ngã xuống, tôi rất xúc động khi thấy sự thay đổi của địa phương, sự chăm lo cho người dân khu vực biên giới cũng như các chiến sĩ đã nằm xuống mảnh đất này”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, đây là công trình có quy mô, ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử và tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại khu vực Đồn Long Khốt. Từ khi được xây dựng, DTLS Khu vực Đồn Long Khốt trở thành điểm viếng thăm, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

2. Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện cho biết: Việc xây dựng, trùng tu các di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt. Những năm gần đây, nhiều công trình xây dựng, trùng tu các khu di tích với nguồn vốn lớn, không những từ ngân sách mà còn cả xã hội hóa.

Long An: Trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử - Ảnh 3.

Nhiều di tích lịch sử được xây dựng, trùng tu từ nguồn vốn xã hội hóa

Một trong những DTLS được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa có thể kể đến Khu tưởng niệm CBCS Tiểu đoàn 263 (huyện Châu Thành). Khu tưởng niệm được xây dựng năm 2021 với nhiều hạng mục: Đền thờ, khu mộ gió, khu nhà lưu niệm,... Ngày khánh thành cũng là thời điểm khu tưởng niệm đón nhận Bằng công nhận DTLS cấp tỉnh.

Để ghi dấu sự kiện lịch sử, tưởng nhớ công lao, sự mất mát, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, DTLS Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 hy sinh trong trận chống càn tại khu vực kênh 62 (huyện Tân Hưng) được xây dựng năm 2019 với nhiều hạng mục: Đền thờ, nhà chuông, nhà bảo vệ,... Tổng kinh phí xây dựng trên 6,6 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách huyện, trong đó, vốn xã hội hóa do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động mạnh thường quân tài trợ gần 3,5 tỉ đồng.

Đặc biệt, ngoài vận động kinh phí xây dựng khu di tích, địa phương còn vận động người dân hiến đất để xây dựng. Gia đình ông Lê Hoàng Tư (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) đồng lòng hiến trên 5.000m2 đất để xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88. Ông Tư bộc bạch: “Nhiều năm nay, người dân trong khu vực xây dựng một miếu thờ tạm nhỏ cặp kênh 62. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), người dân xã Vĩnh Đại, một số ít gia đình có người thân hy sinh và đồng chí, đồng đội tập trung về đây thắp hương tưởng niệm, cúng giỗ tập thể cho các CBCS đã hy sinh. Khi địa phương có chủ trương xây dựng khu di tích, tôi rất đồng tình, góp một phần nhỏ vào việc ghi nhớ công ơn của tiền nhân”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền, công trình hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của địa phương, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và của mọi người dân. Công trình có ý nghĩa thiêng liêng, nhằm tôn vinh, tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Toàn tỉnh hiện có 125 DTLS, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh. Xây dựng, trùng tu các DTLS thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay. Việc làm này đòi hỏi phải huy động được nguồn lực toàn xã hội chung tay thực hiện.

Theo Báo Long An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×