Long An triển khai Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ giai đoạn I (2024 - 2026) và tầm nhìn đến năm 2030
27/08/2024 | 16:55UBND tỉnh Long An chính thức phê duyệt và triển khai Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn I (2024 - 2026) và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam Bộ
Đề án hướng tới mục tiêu thiết lập cơ sở thực tiễn và pháp lý nhằm bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTTNB trên địa bàn tỉnh, thực hiện hiệu quả chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật ĐCTTNB thuộc giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo. Bảo tồn và phát triển những giá trị đặc sắc của nghệ thuật ĐCTTNB tại Long An trong điều kiện tình hình hội nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội, cùng với thách thức của công cuộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm nảy sinh các mối đe dọa về sự suy thoái biến mất hoặc hủy hoại hoặc làm biến dạng các di sản văn hóa phi vật thể vốn là đặc trưng văn hóa quốc gia cũng như địa phương, trong đó có nghệ thuật ĐCTTNB.
Sự hạn chế nguồn nhân lực và tài lực, hệ thống cơ chế chính sách ưu tiên đã tác động đến công tác bảo tồn và phát triển giá trị loại hình nghệ thuật ĐCTTNB nói chung, trong đó có tỉnh Long An. Vì vậy, thiết lập cơ sở thực tiễn và pháp lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này là cấp bách. Trên cơ sở thực tiễn và pháp lý đó, đề án thiết lập lộ trình nhiệm vụ đưa ra hệ thống giải pháp trong đó có việc bố trí kinh phí hàng năm và cho cả giai đoạn là điều kiện quan trọng để thực hiện hiệu quả nội dung công việc vì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTTNB của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo bài bản để truyền dạy ĐCTT cho thế hệ trẻ; tạo điều kiện để nghệ thuật này tiếp cận rộng rãi hơn với cộng đồng, hướng tới việc đưa ĐCTT trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trong giai đoạn 2024-2026, Long An sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, biểu diễn, trưng bày để giới thiệu ĐCTT đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; Xây dựng các chương trình giáo dục học đường, tổ chức các lớp học ĐCTT để đào tạo nhân lực kế thừa; Tăng cường hỗ trợ các câu lạc bộ ĐCTT, chú trọng chế độ đãi ngộ khen thưởng xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân;...
Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân, tài tử, câu lạc bộ nghệ thuật ĐCTT tham gia Liên hoan nghệ thuật ĐCTT toàn quốc cũng như đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật ĐCTT toàn quốc.
Tính đến nay, toàn tỉnh Long An có tổng số 31 nghệ nhân dân gian, trong số đó có 9 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: 01 Nghệ nhân nhân dân (Đặng Quất Vân – Bảy Vân), 08 Nghệ nhân ưu tú Số người thực hành: 4.575 người tăng 2,6 lần so với năm 2013 (là 1.737 người).
Trong giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế hiện nay, bộ môn nghệ thuật này, ngoài các hoạt động theo nhóm riêng lẻ, còn hình thành các câu lạc bộ ĐCTT. Toàn tỉnh có 203 câu lạc bộ, trong đó có 1 câu lạc bộ trực thuộc trung tâm Văn hóa tỉnh và 15 câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện thị, thành phố, còn lại là các CLB trực thuộc UBND các xã, phường, thị trấn. Số CLB hiện nay tăng hơn 45 câu lạc bộ so với năm 2013 (158 câu lạc bộ). Ngoài ra toàn tỉnh còn có 139 hội, nhóm ĐCTT.
Các câu lạc bộ, hội, nhóm trong tỉnh thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ và tổ chức giao lưu ĐCTT hàng tuần tại các đội, nhóm với nhau. Gia tăng về số lượng và chất lượng về nội dung sinh hoạt, từ đó lồng ghép thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt các chính sách, chế độ quan tâm đến nghệ nhân có danh hiệu nhà nước phong tặng ...
Với những nỗ lực không ngừng, Long An đang từng bước khôi phục và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.