Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Long An tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững

21/09/2022 | 09:10

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022, ngày 20/9, Sở VHTTDL tỉnh Long An phối hợp với Trường Đại học KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung là Long An sẽ trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM ở vùng du lịch ĐBSCL. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Long An cũng đã ban hành Chương trình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour/tuyến, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An”, ông Nguyễn Văn Được nói.

Long An tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh uỷ Long An đặt hàng các chuyên gia, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp 3 dự án: Du lịch nông nghiệp gắn với cây chanh: các sản phẩm chế biến từ chanh, khu vườn sản xuất chanh công nghệ cao; Xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh gắn với Làng mai Tân Tây; Du lịch gắn với Trung Tâm dược liệu Đồng Tháp Mười.   

Theo TS. Nguyễn Thị Hậu, Giảng viên Trường Đại học KHXH-NV, tỉnh Long An hiện có 122 di tích lịch sử- văn hoá, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác cần được tiếp tục phát hiện, bảo tồn và giữ gìn. Các di tích không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho người dân, thế hệ trẻ mà còn là điểm đến thú vị với tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Hiện nay, ngành VHTTDL Long An tiếp tục công tác kiểm kê di tích, trùng tu và kiến nghị trùng tu những di tích đang xuống cấp, góp phần bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả những giá trị và truyền thống văn hoá lịch sử của tỉnh nhà.  

“Long An là tỉnh có một hệ thống di tích lịch sử văn hoá thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, loại hình và tính chất di sản đa dạng và độc đáo. Trong nhiều năm qua, Long An tập trung bảo tồn và phát huy giá trị những di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vẫn còn nhiều loại hình di tích khác như di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc tôn giáo và dân dụng… nhưng chưa có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị một cách phù hợp. Đặc biệt cảnh quan và điều kiện tự nhiên của tiểu vùng sinh thái sông Vàm Cỏ - cơ sở quan trọng của những di sản lịch sử văn hoá Long An- chưa được đánh giá và khai thác đúng mức những tiềm năng của “tài nguyên bản địa” này, TS. Hậu nhận xét.

Long An tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Long An chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng

Cũng tại hội thảo, TS Trần Văn Thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh đánh giá, Long An chưa có sản phẩm du lịch đặc thù đúng nghĩa mặc dù tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch này như vùng ngập nước Láng Sen, khu dược liệu Đồng Tháp Mười và hai dòng sông Vàm Cỏ đã đi vào thơ ca, lịch sử… Do vậy, sản phẩm du lịch cần được đầu tư và phát triển như: du lịch sức khoẻ (nghỉ dưỡng, thiền, chữa bệnh bằng thuốc Nam, thực phẩm chay…); du lịch vui chơi giải trí, học đường; du lịch nghỉ dưỡng đường sông.  

Hội thảo còn có nhiều tham luận của chuyên gia về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh và hạn chế của du lịch Long An; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch Long An; có những phản ánh, kiến nghị nhằm giúp cho du lịch Long An phát triển bền vững trong giai đoạn năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Theo SGGP

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×