Long An: Thực thi hiệu quả pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
05/04/2020 | 18:57Thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Triển khai tốt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng năm 2030 là những kết quả đáng chú ý trong lĩnh vực văn hóa tại tỉnh Long An.
Thực hiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
Trong thời gian qua, ngành VHTTDL tỉnh Long An đã tổ chức tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan; mở chuyên mục giới thiệu pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, Luật Sở hữu Trí tuệ; tham gia đưa tin, bài phản ánh kết quả thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả,… lưu thông trên thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch. Chú trọng tham gia các lớp tập huấn do các bộ ngành Trung ương tổ chức lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan, thông qua các văn bản hướng dẫn mới để phổ biến thực thi có hiệu quả, đáp ứng với nhiệm vụ quản lý thuộc từng lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay.
Triển khai tốt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Long An, việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Kết quả, về Nghệ thuật biểu diễn: Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội với nội dung hình thức ngày càng đổi mới, đa dạng, chất lượng nghệ thuật được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh còn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới trong tỉnh.
Về Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Các hoạt động được tổ chức trong tỉnh thời gian qua góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng của địa phương nói chung và của đất nước nói riêng. Sở VHTTDL đã chủ động triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ VHTTDL; phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tạo điều kiện cho các hội viên đi thực tế; phối hợp Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) lần thứ 24; Tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ 24….
Về hoạt động quảng cáo: Tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn một số nội dung công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; phối hợp với các sở ngành của tỉnh và địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hoạt động quảng cáo, kết quả cụ thể: có gần 50 tin, bài, 28 câu chuyện truyền thanh tuyên truyền, hướng dẫn; triển khai 99 cuộc thông tin tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan đến tận cơ sở.
Ngoài ra, trong lĩnh vực Du lịch văn hóa: Đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" trên địa bàn tỉnh; Thiết lập thử nghiệm Cổng thông tin và ứng dụng di động Du lịch thông minh; Đầu tư khai thác và đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh như: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen; Khu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Điểm di tích Đồn Rạch Cát; Khu Lâm viên Thanh niên; Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh...
Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Sau khi Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng năm 2030 được ban hành, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện tốt và vượt các chỉ tiêu cụ thể đề ra. Kết quả, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được quan tâm nâng cấp, xây dựng mới và đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Hiện nay toàn tỉnh có 137/188 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) được ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng, trong đó có một số Trung tâm được các huyện, thị xã, thành phố đầu tư bằng vốn đối ứng xây dựng với quy mô cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Có trên 1440 sân bãi cơ sở tập luyện các môn thể thao gồm: 206 sân Bóng đá, 234 sân Bóng chuyền, 01 sân bóng rổ, 166 sân cầu lông và Đá cầu, 62 sân Quần vợt, 38 hồ bơi, 29 phòng tập thể dục thẩm mỹ và Thể hình, 579 tụ điểm bida, 12 sân patin, 74 sân tập luyện Võ Thuật, 40 tụ điểm bóng bàn, 03 nhà tập luyện thể thao...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai một số giải pháp về quy hoạch, nâng cao chất lượng cho các Trung tâm VHTT&HTCĐ như: Củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, bố trí phân công cán bộ chuyên trách; Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ; Xây dựng các Trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã đạt chuẩn theo quy định và tại các khu dân cư (ngoài trụ sở UBND), xã hội hóa các loại hình vui chơi giải trí, TDTT. Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn có sân bóng đá, khu thể thao đảm bảo nhu cầu hoạt động TDTT tại địa phương.