Long An Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội"
22/04/2020 | 08:17Long An Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội", hoạt động Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Sóc Trăng quý I/2020, các tôn giáo ở An Giang chung tay phòng, chống dịch Covid -19 là tin văn hóa tại 3 tỉnh Nam Bộ vừa qua.
Long An Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội"
Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại công văn số 1377/BVHTTDL-VHCS ngày 07/4/2020 về việc Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội" (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 41-CT/TW), Sở VHTTDL tỉnh Long An đã có báo cáo kết quả thực hiện công tác trên.
Tỉnh Long An hiện có trên 200 hoạt động lễ hội, tế lễ với quy mô và tính chất khác nhau liên quan đến tín ngưỡng dân gian, như tín ngưỡng thờ Mẫu (bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ…), tín ngưỡng thờ Thần Hoàng làng và các tín ngưỡng nông nghiệp khác, diễn ra chủ yếu trong phạm vi các thiết chế tín ngưỡng như đình làng, chùa, miếu, cơ sở thừa tự. Đây là dạng lễ hội do nhân dân tự quản, tự chủ về kinh phí. Thời gian diễn ra lễ hội ở Long An chủ yếu tập trung từ tháng Chạp đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số lễ hội thu hút khá đông đảo tầng lớp nhân dân đến tham dự.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, từ năm 2015 đến nay, Sở VH TTDL Long An đã nghiêm túc triển khai tập huấn, học tập, nghiên cứu, quán triệt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.
Cụ thể, Sở VHTTDL Long An đã phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức được 35 cuộc (bình quân một cuộc có trên 150 người tham dự) triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các lớp tập huấn nghiệp vụ cho công chức Phòng Văn hóa và Thông tin (VH và TT) các địa phương và công chức văn hóa xã, phường, thị trấn trong tỉnh; phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh tổ chức 05 Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức văn hóa - xã hội cấp xã, phường, thị trấn trong đó có bài giảng chuyên đề kỹ năng quản lý, hướng dẫn, tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội (một lớp bình quân có trên 100 người tham dự); 20 lớp hướng dẫn và triển khai công tác quản lý nhà nước về lễ hội cho đối tượng là lãnh đạo Phòng VH và TT; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh (Trung tâm VH, TT và TT) các địa phương trong tỉnh.
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn bài bản, chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách.
Thông qua thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đã góp phần hướng dẫn cơ sở các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những hạn chế như các lễ hội thường tập trung số lượng lớn du khách đến di tích cùng thời gian, địa điểm, trong khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các khu vệ sinh công cộng tại di tích vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, một vài nơi việc tổ chức lễ hội vẫn còn tình trạng thắp hương nghi ngút; kinh doanh buôn bán phát loa ồn ào gần khu vực diễn ra lễ hội.
Nhờ thực hiện các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trên, nhìn chung, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Hoạt động Văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Sóc Trăng quý I/2020
Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2020, trong quý I/2020, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Sóc Trăng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực phục vụ nhân dân đạt một số kết quả đáng trân trọng.
Trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, TPST đã trang trí cổ động trực quan, xây dựng chương trình ca múa nhạc phục vụ hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Canh Tý, Lễ giao nhận quân, Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), phục vụ nhân dân ở địa bàn cơ sở. Ngoài ra còn kẻ vẽ hơn 1.500 mét vuông băng rôn, pano, treo cờ Đảng, cờ nước, cờ phướn tuyên truyền trên các tuyến đường chính của thành phố; triển lãm ảnh về những thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương trong năm qua với nội dung "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân. Về hoạt động văn nghệ quần chúng, TPST tổ chức 03 cuộc hội thi giọng hát hay "Giai điệu mùa xuân", hội thi triển lãm ảnh và Liên hoan các nhóm nhảy thành phố; phối hợp với Thành đoàn và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức thành công đêm hội Giáng sinh - chào đón năm mới 2020, Ngày hội mùa Xuân, Ngày hội chào xuân Canh Tý, Đêm văn nghệ đón giao thừa và tổ chức hành trình giáo dục truyền thống về Địa điểm Chiến thắng Bố Thảo và Nhà lưu niệm TPST cho các em học sinh Trường THCS Lâm Thành Hưng,…
Trong quý I, hoạt động thư viện cũng như các khu di tích lịch sử - văn hóa, điểm tham quan du lịch mở cửa phục vụ du khách, tuy nhiên lượng khách giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình được Phòng Văn hóa và Thông thành phố quan tâm chỉ đạo các câu lạc bộ họp định kỳ hàng tháng và lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định 167 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình và tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. Lĩnh vực thể dục - thể thao, tổ chức 04 giải thi đấu cấp thành phố phục vụ mừng Đảng - mừng Xuân với các môn: Bóng đá, Bóng rổ, Cờ tướng, Cờ người; phối hợp Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố tổ chức thành công Hội khỏe phù đổng và tham gia các hoạt động Hội diễn Lân -Võ thuật Xuân Canh Tý 2020 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức.
Quý II/2020, Phòng Văn hóa và Thông tin TPST tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo 10 phường tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trong các ngày lễ, tết dân tộc, đặc biệt là đại hội Đảng các cấp, chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kế xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Bộ phận văn hóa, thể thao thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II; ngoài ra còn trang trí cổ động trực quan, xây dựng chương trình văn nghệ tuyên truyền các ngày lễ và phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.
Các tôn giáo ở An Giang chung tay phòng, chống dịch Covid -19
Toàn tỉnh An Giang hiện có 11 tôn giáo và 15 tổ chức được công nhận với khoảng 1,6 triệu tín đồ. Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo và tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, từ cuối tháng 3 đến nay, tất cả các cơ sở tôn giáo trong tỉnh đã tạm ngừng mọi hoạt động, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: phun thuốc khử khuẩn trong và ngoài khuôn viên; treo, dán băng rôn tuyên truyền phòng chống dịch, bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Các chức sắc, chức việc đã tuyên truyền đến tín đồ và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng để mọi người ý thức rõ tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 để có các biện pháp sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình. Đơn cử như: đạo Công giáo thay vì đến nhà thờ để bày tỏ lòng kính Chúa, các nhà thờ đã hướng dẫn các giáo dân tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà, chấp hành nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ, UBND tỉnh Long An. Đối với Phật giáo cũng tạm dừng tổ chức các hoạt động Phật sự, sự kiện tôn giáo và xã hội có tập trung đông người, đặc biệt trong các ngày từ 13 đến 16-4 là Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng đã yêu cầu các chùa Nam tông Khmer đón Tết đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, khuyến khích bà con phật tử đón Tết tại nhà...
Song song đó, từ ngày 1-4, khi cả nước thực hiện đợt cao điểm và áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là cách ly, giãn cách toàn xã hội. Với trách nhiệm người công dân, tín đồ các tôn giáo đã chủ động, tự giác thực hiện tốt quy định của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ đồng lòng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng, các tôn giáo ở An Giang còn tích cực ủng hộ kinh phí (bằng tiền mặt) và các nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay… để góp phần phòng, chống dịch Covid – 19.
Với tinh thần đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo, các vị chức sắc, chức việc, bà con tín đồ trên địa bàn toàn tỉnh đã, đang và sẽ tích cực hơn nữa, không chủ quan, lơ là, chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm đẩy lùi đại dịch, để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng./.