Lời giải cho bài toán chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Cao Bằng
26/12/2024 | 10:24Từ năm 2018 trở lại đây, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh cũng đang bộc lộ nhiều tồn tại trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để nhanh chóng đưa kinh tế du lịch phát triển.
Nhiều du khách đến Cao Bằng cho biết, phong cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp, không khí trong lành, ẩm thực phong phú, ngon, sạch; văn hóa truyền thống đa dạng và còn được bảo tồn khá tốt. Đó là những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để khai thác, phát triển du lịch. Thế nhưng, để khai thác được nguồn tài nguyên đó, tạo ra giá trị kinh tế cao còn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực.
Anh Nông Văn D, một chủ kinh doanh homestay ở thành phố Cao Bằng cho biết: "Tôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực có trình độ. Nhiều lần khách nước ngoài yêu cầu tìm một người lái xe có thể nói được tiếng Anh, hoặc hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh nhưng tôi không thể tìm được. Vậy là khách hủy tour và chúng tôi mất thu nhập. Tôi cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm người có thể làm việc về marketing online hoặc người quản lý các kênh bán hàng trực tuyến, kênh OTA như Booking, Agoda, Airbnb...".
Chị V.A, một chủ cơ sở kinh doanh tắm thuốc, ngâm chân, massage tại thành phố Cao Bằng chia sẻ: "Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có tay nghề. Tôi đã rất nhiều lần tuyển nhân viên rồi phải tự gửi đi đào tạo, nhưng nhân viên chỉ làm việc một 1 - 2 năm lại bỏ việc, khiến chúng tôi rất vất vả trong việc tìm người lao động có tay nghề. Đề nghị chính quyền hỗ trợ chúng tôi mở thêm nhiều lớp đào tạo các nghề về du lịch".
Ông Ngô Quang Tú, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng) nhận định, đa phần các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch của tỉnh là tự phát, chưa có tính chuyên nghiệp, chưa biết đưa các yếu tố văn hóa bản địa vào không gian của mình. Nhiều chủ cơ sở xây dựng khách sạn rồi mới đi học, mới tìm hiểu về cách thức quản lý, vận hành cơ sở. Đó là cách tư duy lạc hậu khiến cho việc vận hành kinh doanh gặp nhiều khó khăn trở ngại, khiến cho việc vận hành bị lỗi. Lỗi từ việc hoạch định chiến lược, thiết kế sản phẩm du lịch cho đến vận hành, chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh chưa có tính chuyên nghiệp, số ít được đào tạo nghiệp vụ, chủ yếu được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn, chưa mang tính chuyên sâu, khó đáp ứng nhu cầu đối với lượng du khách cao cấp với khả năng chi trả cao.
Bà Nông Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, tỉnh hiện có khoảng trên 6.000 lao động liên quan đến ngành nghề du lịch, trong đó lao động trực tiếp chiếm khoảng 40% (trên 2.400 người) và gián tiếp chiếm 60% (trên 3.700 người). Hầu hết đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, nhiều nhất vẫn là lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, số còn lại làm việc tại các cơ sở dịch vụ khác...
Sở đã chú trọng, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại tỉnh; hàng năm đều chủ động, phối hợp với các cơ sở đào tạo về du lịch trong nước mở các lớp nâng cao nhận thức, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn cho các chủ cơ sở, người quản lý, người lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân sinh sống tại các khu điểm du lịch.
Đến nay, chất lượng lao động trong ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đã cải thiện rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn thiếu rất nhiều lao động trình độ cao so với yêu cầu của thực tế. Ngay cả đội ngũ công chức, viên chức quản lý du lịch trong các cơ quan nhà nước cũng thiếu nghiêm trọng, chủ yếu làm việc kiêm nhiệm. Để giải quyết những khó khăn này, Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn; đa dạng hóa các hình thức đào tạo để nâng cao trình độ cho nhân lực ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Thực tế đang đòi hỏi chính quyền các cấp tại Cao Bằng tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, phục vụ du lịch; các lớp ngoại ngữ về chuyên ngành du lịch; các lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ du lịch, ứng xử cho các đối tượng là lái xe taxi, nhân viên phục vụ du lịch… Bên cạnh đó, những người kinh doanh du lịch cũng cần chủ động học hỏi nâng cao trình độ, tự đào tạo nhân viên; đa dạng hóa các hình thức học tập qua sách báo, internet.
Theo TTXVN