Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019: Hướng đến khán giả hiện đại và dám chấp nhận cái mới
13/10/2019 | 16:42Diễn ra từ ngày 4- 13/10, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, 2019 đã đi đến chặng cuối. Dẫu còn nhiều tranh cãi về học thuật nhưng phải khẳng định, những người làm nghệ thuật sân khấu đã và đang nỗ lực đổi mới để hấp dẫn khán giả hơn.
Bữa tiệc đa sắc màu
Với 21 vở diễn (7 vở diễn nước ngoài và 14 vở diễn trong nước), liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 đã đem đến cho khán giả nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, ca kịch, múa rối, xiếc…
Trong đó có các vở diễn gồm: Tháng Tám (Hungary); Bpolar (Israel); Macbeth Mirror (Ấn Độ); Hai vạn dặm dưới biển (Hàn Quốc); Câu chuyện về bức tranh cổ (Trung Quốc); Ngôi đền quỷ ám (Singapore); Cánh đồng đẫm máu (Hy Lạp). Đây có thể được xem là những tiết mục xuất sắc nhất đã được BTC "sàng lọc" kỹ lưỡng từ 53 tiết mục của 40 quốc gia đăng ký tham gia Liên hoan.
14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật trong nước tham dự Liên hoan đều được dàn dựng mới và có những tìm tòi thú vị, thậm chí là phá cách ở nhiều loại hình sân khấu như xiếc, múa rối, kịch nói…
Tháng Tám- vở diễn của Hungary tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019
Ở Liên hoan, những người làm nghê thuật sân khấu Việt Nam có thể học tập và giao lưu, tìm hiểu về xu hướng sáng tạo, đổi mới của sân khấu thế giới. Có thể nói đến vở Hai vạn dặm dưới đáy biển của Đoàn kịch Hàn Quốc cũng chọn thế mạnh kịch không lời, tạo điểm nhấn bằng giao diện hình thể, gợi mở nhiều suy nghĩ cho người làm nghệ thuật trong nước. Bằng hiệu ứng của âm nhạc, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là tài năng của 4 nghệ sĩ, vở diễn đã cuốn khán giả vào câu chuyện khoa học viễn tưởng, với thuyền trưởng Nemo và những người bạn đã chiến đấu chống lại kẻ xâm lược, bảo vệ mảnh đất của tổ tiên, giúp đỡ người nghèo. Vở diễn còn gửi đến người xem thông điệp về một cuộc sống bình đẳng, tự do, nhân văn và hạnh phúc…
Cũng sử dụng thủ pháp phi ngôn ngữ vở Tháng Tám của Nhà hát Maldype (Hungari) cũng mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới. Vở diễn do Zoltán Balázs đạo diễn, được bắt nguồn từ những câu nói siêu hình của Schulz và những nhân tố triết học của ông. Nó đã được chuyển đổi từ trí tưởng tượng và cảm xúc sáng tạo của nhân loại sang chủ nghĩa phi ngôn ngữ. Vở diễn được dựa trên các công thức toán học chính xác của sự chuyển động cơ thể. Diễn xuất được xây dựng trên các chuyển động, cử chỉ, ngoại hình và nó dẫn dắt khán giả đến một chiều hướng mới, nhưng nó vẫn bao gồm các yếu tố của quá khứ, hiện tại…
Tuy vậy, vẫn còn những vở diễn chưa được giới chuyên môn đánh giá cao tại Liên hoan. Đơn cử như vở diễn Ngôi đền của quỷ ám của Singapore. Theo đánh giá của giới chuyên môn, vở diễn không đạt tiêu chí thử nghiệm. NSND Giang Mạnh Hà thẳng thắn đánh giá: "Đây là vở diễn không có một chút thử nghiệm gì từ công tác biên kịch, đạo diễn cho tới nghệ thuật biểu diễn. Câu hỏi đặt ra đối với BTC Liên hoan là phải chăng sự cố ý lựa chọn vở diễn này vào mâm cỗ sân khấu của Liên hoan là để có đông đoàn quốc tế? Nếu mà như vậy thì nên đổi tên là Liên hoan quốc tế sân khấu chung chứ không nên đưa vào hai chữ "thử nghiệm".
Nỗ lực đổi mới để tìm khán giả
Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan nhận định: "Về mặt bằng chung của các vở diễn tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia Liên hoan có rất nhiều cách tân trong nghệ thuật, kỹ thuật và đặc biệt là về sân khấu. Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay có xu hướng đơn giản hóa tối đa sân khấu, di chuyển gọn nhẹ và biểu diễn cũng hết sức cô đọng, tiết kiệm chi phí, công sức rất nhiều. Điều quan trọng là họ có khán giả, đáng để cho sân khấu Việt Nam học hỏi".
Cậu Vanya- vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ
Rõ ràng, cần đánh giá cao sự nỗ lực của các nghệ sĩ sân khấu trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn giữ nhiệt huyết sáng tạo, đổi mới để thu hút khán giả hơn.
Nổi bật trong Liên hoan là các vở diễn như Ngàn năm mây trắng (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) và Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ).
Vở "Ngàn năm mây trắng" phát huy thế mạnh của các loại hình nghệ thuật truyền thống, hòa trộn nhuần nhuyễn 4 loại hình nghệ thuật dân gian như chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế đã thuyết phục khán giả cũng như giới chuyên môn.
Nhà nghiên cứu sân khấu, TS Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá: "Tôi thấy tính thử nghiệm thuộc về Ngàn năm mây trắng, Huyền thoại Gò rồng ấp…Đạo diễn đã dùng ngôn ngữ loại hình để tạo thành 5 không gian văn hóa, từng loại hình nghệ thuật cũng để kể một câu chuyện hết sức mạch lạc. Đây là một nồi lẩu thập cẩm rất ngon".
Những suất diễn của vở Ngàn năm mây trắng tại Liên hoan luôn thu hút đông đảo khán giả
Đặc biệt, vở "Cậu Vanya" (Nhà hát Tuổi trẻ) được đánh giá cao với sự thử nghiệm mới. Từ một kịch bản kinh điển của thế giới vở diễn đã có sáng tạo và giải mã theo một cách riêng. Thay vì thế mạnh là ngôn ngữ thì các nhân vật trong "Cậu Vanya" lại dùng ngôn ngữ hành động và sân khấu khi phát huy tối đa những kỹ thuật hiện đại. Ở đó, "Cậu Vanya" đã đi qua mọi rào cản của không gian, thời gian, không lệ thuộc vào việc phải tái hiện bối cảnh nước Nga thế kỷ 19 mà chuyện kịch đã đi sâu vào khai thác tầng sâu giá trị tư tưởng của kịch, các nhân vật kịch sống động với những suy nghĩ, hành động hiện hữu trong cuộc sống đương đại…
TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, "Cậu Vanya" là vở diễn mang tính toàn cầu và chạm đến trái tim của khán giả khi mà tác giả, đạo diễn và lực lượng nghệ sĩ biểu diễn ở mỗi quốc gia khác biệt về văn hóa cho tới tư duy làm nghệ thuật. Còn nhà nghiên cứu Lê Quý Hiền thì cho rằng, Liên hoan chỉ cần có 1-2 vở như Cậu Vanya là đã quá thành công.
Thành công của một kỳ Liên hoan chưa thể khẳng định được sự hồi sinh mạnh mẽ của sân khấu, những có thể khẳng định, sân khấu vẫn luôn đổi mới, phát triển trong dòng chảy của xã hội hiện đại. Bằng chứng là sự nỗ lực đổi mới của những người làm nghề nhằm thu hút khán giả. Bởi như NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: "Mong muốn của chúng tôi khi tổ chức các kỳ Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm chính là để sân khấu tìm thấy cái mới, cái hấp dẫn cho sân khấu hiện nay. Nhưng dù phá cách, cách tân gì đi nữa, cũng cần làm tốt công tác khán giả…".
Còn đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng- Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: "Cái đích cuối cùng của 1 vở diễn là phải đến được với khán giả. Khán giả phải hiểu được thông điệp mình muốn nói, cái đặc trưng nổi bật của nghệ thuật của mình, thấy được cái hay của nghệ thuật mà chúng tôi đem tới. Nếu nói Liên hoan thành công hay không thành công, tôi cho rằng chỉ cần khán giả có thể xem hết vở diễn và khi ra về họ có thể vui vẻ, hỉ hả. Đó là mong muốn của các nghệ sĩ của chúng tôi"./.