Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển

13/10/2022 | 08:08

Tối 12/10, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tới dự Lễ khai mạc Liên hoan có ông Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan.

Về phía địa phương có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam; bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Anh Chức - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan, Trưởng Ban Tổ chức địa phương; NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; cùng các đại biểu, nghệ sĩ, và đông đảo khán giả yêu nghệ thuật.

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 1.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc

Mở đầu chương trình là màn nghệ thuật chào mừng "Hội ngộ làng Chèo" với sự tham gia của các nghệ sĩ Chèo tên tuổi NSND: Quốc Chiêm, Thanh Ngoan, Tự Long, Thúy Ngần, Mai Thủy và các NSƯT: Thu Huyền, Ánh Điện, Thanh Bình, Thùy Dương, Diệu Hằng, Quang Lẫm, Hồng Tươi, Việt Thắng, Quốc Phòng, Hoài Nam cùng các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam biểu diễn. Các nghệ sĩ đã đem đến cho khán giả những giá trị tinh hoa của nghệ thuật Chèo với các tiết mục: Thi nhịp - Hề mồi thắt lưng; Mời trầu (Dân ca Hà Nam); Hát về Tổ quốc hôm nay…

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan

Phát biểu Khai mạc Liên hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2002 là minh chứng cụ thể cho việc triển khai, thực hiện các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, tập trung vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung, của nghệ thuật hát Chèo nói riêng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của xã hội và Nhân dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là đợt sinh hoạt nghệ thuật lớn, là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tình yêu, sự gắn bó sắt son "nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê" với nghề; là sân khấu để các nghệ sĩ phô diễn tài năng, sức sáng tạo, khát khao cống hiến".

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 3.

Các nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật Chèo mang đến Liên hoan tinh túy của bộ môn nghệ thuật này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, Liên hoan là sự kiện quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, vinh danh các tài năng nghệ thuật, từ đó có những đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn, cụ thể hơn về thực trạng lực lượng nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Nam nói riêng, của các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Qua đó, khẳng định Liên hoan không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 4.

Những vì sao không tắt- vở diễn khai mạc Liên hoan

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 5.

Liên hoan Chèo toàn quốc tổ chức định kỳ ba năm một lần, là ngày hội dành cho các đơn vị và đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo trên cả nước. Sự kiện nhằm phát hiện những tài năng, sáng tạo mới để thúc đẩy bộ môn nghệ thuật truyền thống phát triển. Dự thi mở màn tại "Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022" là các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam với vở diễn Những vì sao không tắt.

Đêm khai mạc được diễn ra trong không khí tưng bừng đầy nhiệt huyết, say mê của các nghệ sĩ. Hòa cùng nhiệt huyết của nghệ sĩ là tình yêu, niềm khích lệ của khán giả yêu nghệ thuật Chèo với khán phòng đông kín cùng những tràng pháo tay không ngớt.

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 6.

Liên hoan diễn ra từ ngày 12 đến ngày 28/10, quy tụ 1500 diễn viên, nghệ sĩ đến từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương, với 27 vở diễn. Đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong đó, hoạt động văn hóa - nghệ thuật cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc. Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần "mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch", các đơn vị văn hóa -nghệ thuật vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, nhạy bén nắm bắt tình hình, xu hướng vận động nhằm đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng sáng tạo, lao động nghệ thuật hăng say, không biết mệt mỏi để đem đến các chương trình, vở diễn nghệ thuật đỉnh cao, có chất lượng. Đó là một trong những lý do số lượng đơn vị và vở diễn tham gia liên hoan lần này đạt mức cao như vậy.

Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Giá trị văn hóa truyền thống là động lực phát triển  - Ảnh 7.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ tham gia Liên hoan

Sau đêm khai mạc, lịch thi tiếp theo lần lượt gồm Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc; Nhà hát Chèo Hải Dương; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Nhà hát Chèo Hưng Yên….

Lễ Khai mạc được Truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcap), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Các buổi thi còn lại được phát sóng trên VTVcap sau khi Liên hoan kết thúc.

27 vở diễn tham gia liên hoan: Người hát gọi mặt trời, Truyện ngoài chính sử - Làm vua (Nhà hát Chèo Ninh Bình); Thần tướng Yết Kiêu, Duyên nợ cùng chèo (Nhà hát Chèo Hải Dương); Vang bóng một thời (Đoàn chèo Hải Phòng); Ông trạng kỳ tài, Trọn đời vì non nước (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định); Tình sử ngàn năm, Mật chỉ giữa hoàng cung (Nhà hát Chèo Quân đội); Ván cờ oan trái, Nguyễn Đình Nghị (Nhà hát Chèo Hưng Yên); Bến đợi, Hai giọt nước (Nhà hát Chèo Bắc Giang); Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, Thiên duyên huyền tích (Nhà hát Chèo Thái Bình).

Linh từ quốc mẫu, Tình mẹ (Nhà hát Chèo Hà Nội); Dấu thiêng Đông Hải (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh); Đất liền và biển cả (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); Người kế vị ngai vàng (Đoàn Nghệ thuật Phú Thọ); Tiết nghĩa thiên thu, Đèn trời (Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc); Lưu Xá một thời hoa lửa (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thái Nguyên); Hồng hà nữ sĩ, Cánh diều lạc gió (Nhà hát Chèo Việt Nam); Những vì sao không tắt, Khóc giữa trời xanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam).

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×