Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: Tình yêu nghệ thuật truyền thống luôn cháy bỏng

04/11/2024 | 16:31

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đi qua gần nửa chặng đường với 15 trong tổng số 33 vở đã diễn thi. Vẫn còn sớm để đánh giá chất lượng toàn Liên hoan, nhưng nhìn từ không khí những ngày qua có thể nhận định, sự kiện đã tạo ra được một sân chơi nghệ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp, phần nào thỏa lòng người mộ điệu; cùng với đó, vẫn còn những kỳ vọng, trăn trở của giới nghề…

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: Tình yêu nghệ thuật truyền thống luôn cháy bỏng - Ảnh 1.

Người mang chín án tử khắc họa hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt - một trong các vở diễn đề tài sử Việt tham gia Liên hoan.

 Đề tài lịch sử và cách mạng chiếm ưu thế

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Trưởng BTC Liên hoan, ngoài các nhà hát, đoàn nghệ thuật, sự tham gia của các hội văn học nghệ thuật, hội văn nghệ dân gian, trung tâm văn hóa nghệ thuật và gần 10 đơn vị ngoài công lập (năm 2021 có 7 đơn vị) đã mang đến cho Liên hoan sự tưng bừng và những sắc màu đa dạng.

Năm nay, tuồng sử và đề tài cách mạng chiếm ưu thế, bên cạnh đó cũng có những vở khai thác mảng xã hội đương đại, gắn với cuộc sống, đặc biệt, khá nhiều vở dựng mới. Đáng chú ý, một số đơn vị công lập tham gia từ 2-3 vở, như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Khúc tráng ca thành Gia Định  San hô đỏ); Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Đồng chí  Ánh nhật nguyệt); Nhà hát Cải lương Hà Nội (Sóng dậy giữa vương triều, Xuân Hương nữ sĩ, Muôn dặm vì chồng)…

Được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật Cải lương, các đơn vị thuộc khu vực ĐBSCL vẫn luôn thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu. Nhiều đơn vị đầu tư vở mới, lực lượng diễn viên trẻ, có sắc vóc, hứa hẹn cống hiến những màn diễn đỉnh cao. Có thể kể đến Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) với vở Chất ngọc - Cầm Thi giang; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An với Người con của rừng tràm; Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau: Hào quang và bóng tối; Nhà hát Cao Văn Lầu: Sáng mãi vầng nhật nguyệt; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đồng Tháp: Sau lưng thềm nắng; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long: Khi dòng sông nổi giận; Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu: Trước bình minh; Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu: Giọt máu oan cừu; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang: Đời hoa Rumdul…

Cùng với đó, các đơn vị ngoài công lập cũng góp phần làm cho Liên hoan “xôm tụ” khi tham gia gần 10 vở diễn: Sân khấu Sen Việt với Tây Sơn nữ tướng; Công ty Thiên Long: Hào kiệt Lam Sơn; Công ty Song Việt: Người ven đô; Công ty Giải trí We: Người mang chín án tử; Công ty Bảo Sơn: Truyền tích Cổ Loa xưa; Công ty Giải trí Vũ Luân: Anh hùng đất phương Nam; Công ty Hồng Lạc Xuân: Lưu vong (Khí tiết một trung thần)…

Vở Người con của rừng tràm được Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dàn dựng mới hoàn toàn trong năm 2024 với nội dung xoay quanh hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm lấy ý tưởng từ nhân vật lịch sử Trương Văn Bang và chiến thắng Láng Le - Bàu Cò. Ông từng là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, thuộc lớp cán bộ lãnh đạo kỳ cựu, có nhiều công “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở Long An và Nam Bộ. Vở diễn do NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể Cải lương; NSND Triệu Trung Kiên và NSND Hồ Ngọc Trinh đồng đạo diễn.

Cánh đồng bất khuất (tác giả NSƯT Huỳnh Anh; đạo diễn Võ Huỳnh Mơ) của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tái hiện câu chuyện về 3 chiến sĩ anh hùng: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch (bí danh Công) và Lê Văn Toản (Hùng) thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, đã ôm mìn chặn đánh xe tăng địch trong trận Ấp Bắc hào hùng, bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận và thiết xa vận” của đế quốc Mỹ, lập nên chiến công vang dội ngày 2.1.1963.

Vở diễn khai thác đề tài lịch sử đáng chú ý là Người mang chín án tử (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) của Công ty Giải trí WE. Vai chính Tả quân Lê Văn Duyệt do nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải đảm trách, cùng sự tham gia của NSƯT Võ Minh Lâm - kép đẹp của sân khấu Cải lương hiện nay, hứa hẹn mang đến những sắc màu tươi mới cho Liên hoan.

Sân khấu Sen Việt dựng vở Tây Sơn nữ tướng, khắc họa hình ảnh “sống anh hùng, chết oanh liệt” của nữ danh tướng Bùi Thị Xuân. Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết, đây là vở diễn lịch sử, mang tầm vóc lớn, từng giành HCV ở thể các loại Chèo, Bài chòi, Tuồng… “Lần đầu tiên dựng Cải lương, chúng tôi cũng nhiều áp lực nếu không đạt hiệu quả như các thể loại trước đó. Trình thức lịch sử đòi hỏi tính mạnh mẽ, ngoan cường và tính hình tượng rất lớn, để làm sao người xem thấy được đề tài này cũng rất hấp dẫn, thú vị. Trước đây chúng ta ngại dựng vở sử, tuy nhiên, nếu có nhiều người lan tỏa thì sẽ truyền cảm hứng để các nghệ sĩ tiếp sau cùng làm”, NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ.

Còn thiếu sức “nóng”

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đến thời điểm này đã xuất hiện nhiều vở có chất lượng, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, đề tài đa dạng, phong phú, từ lịch sử dựng nước, giữ nước đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều vở mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền; ngợi ca lịch sử hào hùng, những tấm gương tiêu biểu, phản ánh đời sống sinh hoạt cùng những phong tục tập quán tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn một số vở chưa được quan tâm một cách nghiêm túc. Một số nghệ sĩ không hợp vai, chưa thể hiện được hình tượng nhân vật khiến cho vở diễn thiếu sức thuyết phục, thậm chí ảnh hưởng đến đặc thù nhân vật đã được định hình, xây dựng từ xưa…

Theo giới nghề, Liên hoan lần này nhờ sự hiện diện của những nhà viết kịch thực sự uy tín trong loại kịch hát dân tộc, cộng với việc sử dụng một cách linh hoạt, chuẩn xác hệ thống bài bản Cải lương và các thể điệu lý dân ca Nam Bộ… đã tạo ra nhiều đất cho nghệ sĩ “trổ giọng, phô tài”.

Qua Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024, các cấp quản lý và những người làm văn hóa cần nhìn lại một cách tổng quan, đặc biệt là chính sách, chế độ để kịp thời điều chỉnh, nhanh chóng củng cố lại những mặt còn hạn chế, làm cho đời sống sân khấu ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội… (NSND TRẦN NGỌC GIÀU, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM)



Các đạo diễn cũng đang tiếp tục  khẳng định tài năng của mình thông qua những vở diễn thăng hoa về cảm xúc, nội dung sâu sắc, chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, có giá trị về mặt tư tưởng. Tuy nhiên, trước hiện thực của sân khấu trong tình hình hiện nay, đội ngũ tác giả và đạo diễn sân khấu Cải lương cần phải tiếp cận đời sống xã hội với tâm thức và cách thể hiện khác lạ hơn để có thể chuyển tải sức nặng của cuộc sống đương đại vào những tác phẩm mang tầm vóc mới, đáp ứng sự chờ mong của người hâm mộ cả nước.

Một điều khiến Liên hoan có vẻ thiếu sức “nóng” so với mùa trước là hiệu ứng khán giả. “Có lẽ vì tình hình kinh tế khó khăn hoặc Liên hoan chưa được tuyên truyền sâu rộng, nên lượng người xem không đông như mong đợi, vì thế chưa lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng khán giả mộ điệu”, có nghệ sĩ tâm tư.

Một vị lãnh đạo ngành Văn hóa phía Nam bày tỏ, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách thì Cải lương vẫn mang trong mình sức sống mãnh liệt, các nghệ sĩ và người mộ điệu vẫn dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống này một tình yêu thiết tha, cháy bỏng. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×