Liên hoan các đội tuyên truyền thanh niên về nghệ thuật bài chòi Bình Định
22/06/2018 | 09:00Liên hoan các đội tuyên truyền thanh niên về nghệ thuật bài chòi tỉnh Bình Định năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 24/8, tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn.
Bài chòi là nghệ thuật dân gian truyền thống có sức sống mạnh mẽ ở Bình Định. Ảnh: Báo Bình Định
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đối với thanh niên về nghệ thuật bài chòi - loại hình nghệ thuật đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Định vừa ban hành kế hoạch tổ chức Liên hoan các đội tuyên truyền thanh niên về nghệ thuật bài chòi tỉnh Bình Định năm 2018.
Theo đó, Liên hoan có sự tham gia của 6 đội thi đến từ các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn, trải qua 2 phần thi: giới thiệu về địa phương, đơn vị và hát bài chòi.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian ở 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, đã bám rễ ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương nơi đây, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Các câu chuyện trong bài chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Trải qua thăng trầm lịch sử, bài chòi Trung bộ vẫn không ngừng phát triển đa dạng và phong phú.
So với các tỉnh miền Trung có chung di sản, bài chòi dân gian Bình Định luôn được giới nghiên cứu đánh giá là độc đáo, đa dạng nhất. Cách bảo tồn và hiệu quả bảo tồn, phát huy bài chòi của Bình Định cũng được đánh giá là nguyên bản, bền vững. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ cùng các tỉnh, thành liên quan và Bộ VHTTDL phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, làm phong phú thêm giá trị của di sản; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, ý thức tự hào của cộng đồng, người dân để từ đó đồng lòng, tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, để Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại.
Lan Anh (t/h)