Lễ hội đền Vua Mai - Nghệ An: Điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh
13/02/2025 | 15:07Lễ hội đền Vua Mai là sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng, mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm tại tỉnh Nghệ An. Năm 2025, lễ hội gắn liền với kỷ niệm 1.312 năm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Lễ hội đền Vua Mai 2025 diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 15 tháng Giêng âm lịch tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Lễ hội bao gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với các nghi thức như đại tế, rước kiệu, đánh trống khai hội, múa rồng lân, xướng văn tế và dâng hương.

Biểu diễn múa lân - sư - rồng chào mừng Lễ hội.
Lễ Đại tế là nghi lễ quan trọng, thể hiện sự thành kính và tưởng nhớ công lao của Vua Mai Hắc Đế cùng nghĩa quân.
Phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú như đấu vật, đẩy gậy, cờ thẻ, chọi gà, bóng chuyền nam, hội trại thanh niên và liên hoan văn nghệ. Đặc biệt, đấu vật truyền thống có từ thời Vua Mai nhằm tuyển chọn binh sĩ vẫn được duy trì và trở thành điểm nhấn thu hút đông đảo du khách.

Đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia nghi lễ rước kiệu.
Lễ rước sắc từ đền thờ lên mộ vua cũng được tổ chức theo hình thức chèo bơi trên sông, tạo nên nét độc đáo riêng cho lễ hội. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động đặc sắc như thi hát dân ca, thi làm cỗ xôi gà...
Nét mới năm nay, huyện Nam Đàn tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như lễ hội đua thuyền trên sông Lam với sự tham gia của 6 đội đua, đêm thơ Nguyên Tiêu trên quê hương Bác với chủ đề “Việt Nam cất cánh” thu hút hàng trăm tác phẩm gửi về, cùng cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Vua Mai Thúc Loan.
Những năm gần đây, huyện Nam Đàn còn tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Vua Mai Thúc Loan nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đấu vật truyền thống tại Lễ hội Đền Vua Mai thu hút hàng nghìn người tham gia.
Những hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử mà còn giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), quê quán tại làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi mang thai, thân mẫu ông chuyển đến thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nghĩa Thái, huyện Nam Đàn) sinh sống.
Chứng kiến nhân dân lâm than do chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa đánh đổ bộ máy thống trị của nhà Đường tại Hoan Châu, giải phóng toàn bộ Ái Châu (nay là Thanh Hóa) và hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội).
Sau khi đất nước sách bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan xưng đế Mai Hắc Đế, thiết lập bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính sách quan trọng: xóa bỏ các khoản thuế tô, dung, điệu do nhà Đường áp đặt, chấm dứt các nghĩa vụ cống nạp, quy định ruộng đất thuộc quyền canh tác của từng làng xã, ai lao động người đó được hưởng.
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 - 723) mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu mốc son trên con đường đấu tranh giành độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Cuộc khởi nghĩa là bằng chứng lịch sử hùng hồn khẳng định khát vọng tự chủ, đồng thời góp phần cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước.

Đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai.
Di tích lịch sử Đền thờ Mai Hắc Đế gồm khu lăng miếu và đền thờ Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế tại thung lũng Rậm, núi Hùng Sơn (còn gọi là núi Đụn), thuộc thị trấn Nam Đàn.
Di tích này được nhân dân lập nên từ nhiều thế kỷ trước để tưởng nhớ công lao của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế (Mai Thúc Huy - con trai Mai Thúc Loan) và các tướng lĩnh đã góp phần giải phóng dân tộc, thốt khỏi ách thống trị của nhà Đường, góp sức xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự chủ trong 10 năm (713 - 723).
Hiện nay, khu di tích vẫn giữ gìn nhiều cổ vật giá trị, trong đó có 34 cổ vật tiêu biểu như sắc phong, tượng, long ngai và bài vị.
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là sự ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của di tích, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của lễ hội trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc.