Lập Hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Buôn Ma Thuột
06/10/2018 | 14:30UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 8485/KH-UBND về việc lập Hồ sơ khoa học Di tích Nhà tù Buôn Ma Thuột đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Khách tham quan khu vực mô phỏng hình ảnh cựu tù chính trị tại Nhà tù Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Theo đó, với mục đích tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng của di tích, phát triển du lịch, định hướng di tích trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Kế hoạch lập hồ sơ khoa học di tích Nhà tù Buôn Ma Thuột, với nội dung gồm: Tổ chức Hội thảo khoa học về Di tích Nhà tù Buôn Ma Thuột; Gặp gỡ, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, các cựu tù từng bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột; Xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ khoa học di tích.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai lập Hồ sơ Di tích thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nhà tù Buôn Ma Thuột do chính quyền thực dân Pháp thiết lập tại Đắk Lắk trong thời kỳ 1930- 1945 để đày biệt xứ và giam giữ hàng nghìn người yêu nước, đảng viên cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo nhất Đông Dương.
Đến năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng Nhà tù để giam giữ tù nhân và chia Nhà tù làm hai phần: một bên phục vụ quân nhu, một bên là Trung tâm cải huấn. Ngoài ra, chúng còn xây dựng một số công trình khác như: Nhà nguyện, hai dãy xà lim giam giữ và tra tấn tù nhân.
Năm 1980, Nhà tù Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Việc di tích Nhà tù Buôn Ma Thuột được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn văn hóa, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Lan Anh (t/h)