Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lập hồ sơ đề nghị công nhận Trạm phát sóng Bạch Mai là di tích lịch sử

26/02/2020 | 14:22

Ngày 25/2, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có cuộc làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam về việc bảo tồn cụm công trình lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai 128C Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, các bên đã thống nhất về việc thực hiện công tác lập hồ sơ, triển khai các thủ tục công nhận công trình Trạm phát thanh 1 tầng thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai 128C Đại La là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.

Việc bảo tồn, gìn giữ di tích một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai là một việc làm hết sức cấp thiết, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp phát triển đô thị.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận Trạm phát sóng Bạch Mai là di tích lịch sử - Ảnh 1.

Trạm phát sóng Bạch Mai trước khi bị phá dỡ

Trước đó, theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của Thành phố Hà Nội, một số công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, với những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ (Nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 phố Đại La (quận Hai Bà Trưng). Công văn này được gửi tháng 12/2019, đồng thời gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo.

Ngày 20/1, Sở Xây dựng có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, đánh giá, xếp loại công trình Trạm phát thanh 1 tầng để đưa vào danh mục bảo tồn công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; giao Sở VHTT Hà Nội kiểm tra, nếu đủ điều kiện theo quy định thì hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng và chủ quản lý, sử dụng chỉnh trang công trình, lập bia hoặc biển chỉ dẫn và hồ sơ trình UBND Thành phố ra quyết định công nhận di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.

Ngày 10/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội Tô Văn Động phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với công trình nhà một tầng này.

Tuy nhiên, 1 ngày trước đó, chiều 9/2, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai là Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa đập phá một gian nhà trong diện phải giải phóng mặt bằng, nhưng cũng xâm phạm khá nặng nề cả các gian nhà khác.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận Trạm phát sóng Bạch Mai là di tích lịch sử - Ảnh 2.

Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ 1 phần

Đơn vị này cho biết trước đó không hề nhận được văn bản nào từ phía cơ quan quản lý yêu cầu không được phá dỡ tòa nhà hiện thuộc diện quản lý của họ, chưa phải là di tích, và đã được quy hoạch xây nhà cao tầng không quá 46m. Khi nhận được yêu cầu tạm dừng của UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm, đơn vị này mới dừng việc phá dỡ vào sáng 10/2.

Đại diện công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai sau đó đã nhận sai và mong muốn tìm phương án khôi phục nguyên trạng. Tuy nhiên, hiện đơn vị này chưa tìm được phương án khả thi vì "những khó khăn về vật tư thay thế".

Ông Đinh Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho biết, theo chỉ đạo nhất quán từ UBND thành phố và quận Hai Bà Trưng, đơn vị sai phạm có trách nhiệm khôi phục nguyên trạng công trình bị phá dỡ thuộc trạm phát sóng Bạch Mai.

"Trước mắt, ngay sáng 25/2, Ban quản lý dự án sẽ tiếp nhận mặt bằng nằm trong chỉ giới. Đơn vị quản lý phải có trách nhiệm thu dọn và hoàn thành nội dung này.

Ngoài ra, các bên liên quan sẽ có phương án gia cố bức tường, tiếp giáp vị trí sập đổ. Nếu không xử lý ngay, dưới điều kiện mưa bão, sẽ gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngôi nhà 1 tầng trên", ông Hiếu nói./.

Trạm phát sóng Bạch Mai- căn biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại ngõ 128C Đại La, được xây dựng từ năm 1912, Trạm vô tuyến điện báo này là nơi tiếp cận rất sớm với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở khu vực Châu Á từ đầu thế kỷ 20, là nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưa ngày 7/9/1945 trong chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại đây cũng gắn với sự kiện tối 19/12/1946 nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến.


Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×