Lào Cai xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
18/12/2024 | 08:50Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ lâu đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao tính hấp dẫn nói riêng, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và của các địa phương trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.
Trong chiến lược phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng luôn là vấn đề được quan tâm, chú trọng. Việc xác định được sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ giúp các địa phương tập trung được các nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách, qua đó thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với địa phương.
Nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam, tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, Lào Cai là cầu nối đặc biệt quan trọng cho việc giao lưu, trao đổi kinh tế, văn hóa, du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh Lào Cai có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên về cảnh quan, khí hậu, động thực vật, tài nguyên đa dạng về văn hóa là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của tỉnh.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên: Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, có những đỉnh núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi. Đặc biệt, Lào Cai có đỉnh núi Fansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; ngoài ra còn có 2 đỉnh núi cao khác thuộc top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam (Ky Quan San 3.046m; Nhìu Cồ San 2.965m). Địa hình núi cao tạo nên những cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn, những vách đá, đỉnh núi hiểm trở, hang động, thác nước và trên nền địa hình như vậy là thảm động thực vật đặc hữu, có giá trị cao để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch mạo hiểm. Địa hình đa dạng tạo ra những vùng khí hậu khác nhau trong tỉnh Lào Cai. Đặc biệt tại các vùng núi cao như Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà có thời tiết mát mẻ vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Nhiệt độ trung bình năm ở vùng cao từ 15oC - 20oC (riêng Sa Pa từ 14oC - 16oC và không có tháng nào lên quá 20oC). Nhiệt độ trung bình năm ở vùng thấp từ 23oC - 29oC. Điều kiện khí hậu tạo cho Lào Cai trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, đặc biệt đối với khách du lịch nội địa.
Về tài nguyên du lịch văn hóa: Đa dạng về văn hóa và giàu bản sắc dân tộc là đặc điểm nổi bật của Lào Cai. Tính đa dạng, phong phú của văn hoá thể hiện cả ở văn hoá vật thể và phi vật thể. Các dân tộc vùng cao với bản sắc văn hóa truyền thống là sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Tính đến hết năm 2023, Lào Cai có 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 29 di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh; 39 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cần phải bảo tồn trong đó có 2 di sản đại diện nhân loại (“Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” và “Nghi lễ then Tày, Nùng Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa gắn liền với các dân tộc là rất lớn, có thể được khai thác, phát huy ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây là một nguồn tài nguyên rất phong phú để phát triển các sản phẩm du lịch trong tỉnh. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày, sinh hoạt văn hóa, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian và không gian làng bản của cộng đồng 25 nhóm ngành dân tộc đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Di sản văn hóa Lào Cai là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương, là nền tảng để phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Với nguồn tài nguyên hấp dẫn cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn đã giúp cho tỉnh Lào Cai xây dựng được những sản phẩm đặc thù của địa phương, giúp Lào Cai nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong cùng khu vực Tây Bắc, tạo ra tính hấp dẫn cao, thu hút thị trường khách đặc biệt hoặc đại trà. Để xác định và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch trong chỉ đạo phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các địa phương với các cơ quan quản lý nhà nước; tạo cơ chế thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc thù; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên; xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù. Việc đồng thời triển khai áp dụng nhiều giải pháp trên nền tảng tài nguyên du lịch, giai đoạn vừa qua, sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã được hình thành rõ nét, các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo thị trường khách du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch có tính cạnh tranh cao như:
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng: Điều kiện khí hậu tạo cho Lào Cai trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, đặc biệt đối với khách du lịch nội địa. Riêng đối với Sa Pa, khí hậu được đánh giá là tài nguyên quan trọng bật nhất để phát triển du lịch. Ngay từ năm 1903, Sa Pa đã được người Pháp biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan hùng vĩ và đặt nền móng đầu tiên để Sa Pa trở thành “kinh đô nghỉ hè” của miền Bắc và là nơi nghỉ dưỡng ưa thích của các quan chức Pháp tại thuộc địa. Hiện nay, Lào Cai là địa phương đứng đầu khu vực Tây Bắc về dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng. Trên địa bàn toàn tỉnh có 1.574 cơ sở lưu trú, đặc biệt đã có 4 khách sạn được xếp hạng 5 sao. Các khu resort nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh: Sapa Jade Hill Resort, Topas Ecolodge, trong đó Topas là nơi đầu tiên của Việt Nam vào danh sách những khu nghỉ dưỡng độc đáo nhất thế giới do National Geographic bình chọn. Khẳng định thương hiệu du lịch Lào Cai trở thành một trong 10 điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn nhất của Việt Nam, xứng danh với tài nguyên du lịch vốn có hàng trăm năm của khu du lịch Sa Pa thời gian qua, ngành “công nghiệp không khói” Lào Cai đã có nhiều giải pháp chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn của địa phương, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách. Để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, ngay từ đầu năm 2010, ngành Du lịch Lào Cai đã tập trung nguồn lực, tổ chức mời gọi đầu tư xây dựng Sa Pa trở thành “Kinh đô du lịch mùa hè của Việt Nam” gắn với nghỉ dưỡng núi tại Sa Pa; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao như sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp - resort, biệt thự du lịch cao cấp, khu vui chơi và giải trí cao cấp tại đô thị du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai phục vụ cho đối tượng khách chi trả cao và khách quốc tế; các loại hình cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng độc đáo như các biệt thự, bungalow thấp tầng, dùng vật liệu của bản địa kết hợp với không gian rộng, thoáng, tầm nhìn đẹp, trồng nhiều hoa, cây cảnh độc đáo của địa phương tạo dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng đặc sắc của vùng núi cao của Lào Cai tại các phân khu chức năng khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà... Việc Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia thứ 2 của Việt Nam đã khẳng định Sa Pa là một trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam.
Các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc: Lào Cai là địa phương tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, là tỉnh đầu tiên trong cả nước được nhận giải thưởng homestay ASEAN cho nhóm các hộ dân tại xã Tà Chải, Bắc Hà và xã Tả Van, Sa Pa. Sản phẩm du lịch cộng đồng của Lào Cai được khai thác qua các bản làng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Cát Cát (Sa Pa); Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Trung Đô (Bắc Hà); Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),... Kiến trúc nhà ở của các dân tộc tại các bản làng cũng tạo ra nét hấp dẫn riêng với du khách như: nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà sàn truyền thống của người Tày, nhà lợp gỗ của người Mông, nhà trình tường lợp ngói âm dương của người Nùng,… Để sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng không bị trùng lặp với sản phẩm du lịch cộng đồng của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Lào Cai đã tập trung khai thác mỗi bản làng gắn với nét văn hóa độc đáo của dân tộc, kết hợp với việc xây dựng những sản phẩm trải nghiệm cho du khách như: “một ngày làm nông dân”, “một ngày làm cô dâu người Dao”, “trảy mận Bắc Hà”, “thêu hoa văn thổ cẩm”,… Du lịch cộng đồng đã được khẳng định là thương hiệu của du lịch Lào Cai khi thu hút 20% lượng khách du lịch của tỉnh tham quan, trải nghiệm với 475 hộ kinh doanh homestay. Bản du lịch cộng đồng Cát Cát (Sa Pa) được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Các sản phẩm du lịch văn hóa: Những năm gần đây, các giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao và ruộng bậc thang ở vùng cao Lào Cai đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác thành các chương trình du lịch đặc trưng. Chợ phiên vùng cao giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Riêng chợ phiên Bắc Hà đã được Tạp chí du lịch Serendib xếp là 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Giá trị danh thắng ruộng bậc thang tại Sa Pa và Bát Xát đang thực sự “lên ngôi” bởi vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc biệt. Ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát (di tích- danh thắng quốc gia) đang tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho Lào Cai. Đặc biệt là sau khi bạn đọc Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới. Cùng với đó, ngành Du lịch Lào Cai tăng cường khai thác các giá trị văn hóa “biến di sản thành tài sản” thông qua các di tích văn hóa - lịch sử, danh thắng, kết nối các điểm du lịch tâm linh. Theo đó, Lào Cai thực hiện việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển và ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, nghề nấu rượu đặc sản, bảo tồn và phát huy hệ thống các lễ hội của các dân tộc, phát huy giá trị các chợ vùng cao, biến chợ phiên văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn…
Sản phẩm du lịch tâm linh: Hiện tại, tỉnh có gần 30 di tích được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh như: đền Nghĩa Đô, đền Bảo Hà, Đền Thượng, đền Cô Tân An, đền Ken (Văn Bàn); đền Trung Đô, đền Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà)... Đặc biệt, các quần thể di tích Đền Thượng và đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách hành hương. Sản phẩm du lịch tâm linh được phát triển mạnh mẽ nhất từ thời điểm 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái - Phú Thọ cùng hợp tác liên kết phát triển sản phẩm “Du lịch về cội nguồn”. Các di tích được kết nối trong chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng: Đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô và đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) kết nối với đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn và đền Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); đền Mẫu Âu Cơ, đền Tam Giang, đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ). Đặc biệt, quần thể các công trình văn hóa tâm linh Khu du du lịch Cáp treo Fansipan được đưa vào khai thác năm 2017 đã giành sự quan tâm của khách du lịch tâm linh.
- Về du lịch sinh thái, mạo hiểm kết hợp thể thao: Loại hình du lịch này có thương hiệu của Lào Cai khi Vườn Quốc gia Hoàng Liên khai thác tour sản phẩm du lịch sinh thái “trải nghiệm khám phá Vườn Quốc gia Hoàng Liên” và “tour leo núi chinh phục đỉnh Fansipan”. Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn của những du khách ưu khám phá, thích mạo hiểm. Để khai thác tiềm năng hấp dẫn của du lịch sinh thái mạo hiểm, ngành du lịch Lào Cai tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cấp sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Trong đó, các sản phẩm “Chinh phục đỉnh cao” với các hoạt động leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa), Ky Quan San, Lảo Thẩn (Bát Xát)…; sản phẩm thể thao có giải đua xe đạp “1 vòng đua 2 quốc gia” của thành phố Lào Cai, “đi giữa mùa hoa đỗ quyên” của huyện Bát Xát; đua ngựa Bắc Hà; bay dù lượn, chèo thuyền kayak và camping (Bát Xát), vượt thác, leo cây (Sa Pa)… Đặc biệt, giải Marathon vượt núi quốc tế với cự ly thi đấu từ 10 km đến 100 km trên các cung đường đua được đánh giá là khắc nghiệt nhất Việt Nam, xen lẫn với những khung cảnh núi non hùng vĩ, thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, đẹp như mơ của vùng núi Sa Pa đã thu hút hàng nghìn vận động viên và du khách đến từ 50 quốc gia tham gia.
- Sản phẩm du lịch xuyên biên giới: Thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Lào Cai chiếm 1/3 lượng khách quốc tế của cả tỉnh. Để khai thác lợi thế khu vực biên giới, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chương trình kí kết hợp tác với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc để cùng xây dựng tour du lịch kết nối các điểm du lịch của tỉnh Lào Cai với các điểm du lịch Vân Nam - Trung Quốc tạo thành sản phẩm “một tour hai quốc gia”. Khai thác lợi thế thành phố biên giới, Lào Cai cũng đã phát triển nhiều tour city giành cho khách Trung Quốc tham quan trải nghiệm thành phố Lào Cai trong ngày. Năm 2018, tỉnh Lào Cai đã đưa vào thử nghiệm tuyến vận tải không định kỳ Cá Cựu - Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) để tạo điều kiện cho du khách hai bên tham gia tour du lịch và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải Việt - Trung phát triển thị trường; Năm 2019, khai trương tour du lịch “Hai quốc gia sáu điểm đến”. Năm 2024, chuyến tàu charter đưa khách Trung Quốc khám phá một vòng Việt Nam trong hành trình 12 ngày bằng tàu hỏa đã được khởi động.
Tại quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc ban hành Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định tầm nhìn, sứ mệnh của du lịch Lào Cai: “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Với mục tiêu tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch giàu bản sắc, hấp dẫn và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội. Tỉnh Lào Cai trong thời gian tới sẽ phát triển có hệ thống với 3 nhóm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ để đảm bảo tính đa dạng và tính khác biệt mang tính đặc trưng cao của địa phương Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Lào Cai sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng, hứa hẹn mang đến cho du khách trải nghiệm mới.
Theo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai