Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lào Cai: Đào tạo nhân lực du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW

24/08/2022 | 15:37

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sau 5 năm, Lào Cai đã tập trung đào tạo nhân lực gắn với giải quyết việc làm các ngành nghề phục vụ phát triển du lịch, qua đó đã bổ sung gần 25 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Lào Cai: Đào tạo nhân lực du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW - Ảnh 1.

Thực hành pha chế đồ uống tại Khoa Kinh tế du lịch – Trường Cao đẳng Lào Cai

Tập trung đào tạo chuyên sâu

Một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 08-NQ/TW đó là phát triển nguồn nhân lực du lịch; có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 148-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị; để thực hiện có hiệu quả nội dung đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh cho biết: Sở đã phối hợp với Sở Du lịch tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở dạy nghề làm việc trực tiếp và gián tiếp với các doanh nghiệp có dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh khảo sát nhu cầu sử dụng lao động để đào tạo, cung ứng lao động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương để từ đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị đối thoại tư vấn hướng nghiệp học nghề cho các em học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các trường THCS, THPT; tổ chức 114 điểm truyền thông tư vấn học nghề và việc làm thu hút được gần 5,5 nghìn người tham gia; đẩy mạnh truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để các em học sinh cũng như người lao động nắm được thông tin đăng ký học nghề…

Theo thống kê của Sở Lao động – TBXH, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW (2017-2021) toàn tỉnh đã đào tạo được 76.515 người, vượt 13,9% kế hoạch đề ra; trong đó, riêng các nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch – dịch vụ đã có trên 20,4 nghìn lượt người lao động trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo nhóm nghề cho nhóm ngành nghề du lịch - dịch vụ được 3,9 nghìn người ở trình độ cao đẳng, trung cấp; đào tạo nghề ngắn hạn (sơ cấp và đào tạo thường xuyên) đã thu hút trên 14 nghìn lượt người người tham gia học tập; đồng thời hàng năm các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho trên 2.500 người là cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, hướng dẫn viên du lịch, lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ngoài ra, Lào Cai còn đẩy mạnh liên kết với các trường ngoài tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 1,1 nghìn học sinh, sinh viên tham gia học các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch. Điểm đáng chú ý là 80% lao động sau đào tạo đều có việc làm tại các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp về lĩnh vực du lịch - dịch vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, số còn lại tự tạo việc làm thông qua các hình thức góp vốn, vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm để tự sản xuất, kinh doanh, mở các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch Homestay.

Theo ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, bám sát định hướng phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai; thời gian qua nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên và học viên các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ du lịch; thiết kế mô thức đầu ra của chương trình đào tạo du lịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, sinh viên học ngành du lịch của Trường Cao đẳng Lào Cai sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào các khách sạn 5 sao, không ít em được đảm nhận những vị trí cao trong các khu du lịch, khu công nghiệp ở Lào Cai. Nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao lớn, vì vậy trường Cao đẳng Lào Cai theo định hướng của tỉnh luôn luôn đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch.

Cũng theo Sở Lao động –TBXH tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành du lịch trong 5 năm qua thì hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm luôn được chú trọng. Theo đó, toàn tỉnh tổ chức 200 phiên, hội nghị giao dịch việc làm với trên 650 lượt doanh nghiệp và trên 30 ngàn lượt lao động tham gia nghe tuyên truyền và tư vấn tuyển dụng, trong đó có khoảng 18 ngàn lao động tìm được việc làm; góp phần tạo việc làm tăng thêm cho 67,3 nghìn lao động, tăng 16,4% so kế hoạch; trong đó, có 32 ngàn lao động là nữ, giải quyết việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia việc làm đạt trên 9 nghìn người; bổ sung khoảng 25 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Lào Cai: Đào tạo nhân lực du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW - Ảnh 2.

Du khách giao lưu với người dân địa phương tại Khu du lịch Cát Cát (Sa Pa)

Thích ứng linh hoạt trong bối cảnh mới

Giai đoạn 2022 - 2025, Lào Cai tập trung chuyển hướng mạnh đào tạo nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhu cầu thị trường lao động. Trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực tại địa phương (người dân bản địa) phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Trong đó đào tạo các nhóm nghề du lịch - dịch vụ cho trên 19.000 lao động với các ngành nghề tập trung chủ yếu là: Quản lý cơ sở lưu trú; lễ tân; phục vụ buồng, bàn, bar; kỹ năng du lịch cộng đồng;hướng dẫn viên tại điểm, tour; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật pha chế đồ uống.

Riêng năm 2022, với mục tiêu phấn đấu đón từ 4 triệu lượt khách du lịch trở lên với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 15 nghìn tỷ đồng; Lào Cai tập trung triển khai 6 nội dung chính gồm: Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch.

Để đạt được mục tiêu trên, nhất là nguồn nhân lực có trình độ trong lĩnh vực du lịch, các đơn vị đào tạo nghề trong tỉnh cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO (là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo) để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp; chủ động giao cho giáo viên, hướng dẫn liên hệ để gửi sinh viên, học viên đến thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo đại học, đào tạo quản lý và sau đại học về du lịch, dịch vụ, quan tâm tới đào tạo kỹ năng nghề du lịch; đảm bảo chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ công tác giảng dạy phù hợp, thích nghi với đại dịch Covid -19. Tiếp tục đẩy mạnh việc thiết kế mô thức đầu ra của chương trình đào tạo du lịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp 4.0 thích nghi với dịch Covid -19.

Các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch cần tăng cường tổ chức Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp/đơn vị du lịch trong khâu tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho địa phương.

Lào Cai: Đào tạo nhân lực du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW - Ảnh 3.

Cảnh đẹp Khu du lịch Cát Cát – Sa Pa luôn hấp dẫn du khách

Những thay đổi trong hoạt động thực tiễn đòi hỏi ngành Du lịch Lào Cai phải đa dạng hóa loại hình đào tạo, hình thức, mã hoá dữ liệu phục vụ nguồn lao động mới mọi lúc, mọi nơi thay vì sinh viên, học viên phải lên giảng đường, thư viện đọc sách như những năm gần đây. Có như vậy, mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội ngày nay./.

Theo Cổng TTĐT Lào Cai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×