Lạng Sơn: Tạo không gian phát huy các di sản văn hóa phi vật thể
08/07/2022 | 09:20Lạng Sơn là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) đặc sắc (8 DSVH phi vật thể quốc gia và trên 130 di tích được xếp hạng các cấp). Để phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy DSVH, đặc biệt là các DSVH phi vật thể, thời gian qua, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch đã và đang trở thành giải pháp quan trọng, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu như: hội thi múa sư tử mèo; ngày hội văn hóa – thể thao tại xã Hải Yến (ngày 28 tháng Giêng hằng năm)… Cuối tháng 6/2022, UBND huyện cũng đã tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Cao Lộc năm 2022” tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn. Chương trình đã để lại ấn tượng với nhiều du khách. Chị Nguyễn Anh Thư, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Được xem múa sư tử mèo, thấy các cô, các chị mặc những bộ trang phục truyền thống hát Then, hát Sli… và được thưởng thức đặc sản của địa phương khiến tôi cảm thấy rất thú vị. Hy vọng những lần sau quay trở lại đây, tôi sẽ tiếp tục được trải nghiệm các hoạt động ý nghĩa này.
Cùng với Cao Lộc, từ năm 2018 đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tích cực, chủ động trong việc tổ chức các sự kiện tạo không gian phát huy các di sản văn hóa. Tiêu biểu như: Liên hoan hát Then – hát dân ca huyện Văn Lãng; liên hoan múa sư tử mèo huyện Bình Gia; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) huyện Bắc Sơn…
Bà Hoàng Thùy Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực quảng bá, giới thiệu đến du khách nét độc đáo của DSVH Xứ Lạng thông qua việc tổ chức các sự kiện VHTT&DL như: festival ẩm thực; trình diễn trang phục dân tộc, hát dân ca và trưng bày các món ăn truyền thống tại Phố đi bộ Kỳ Lừa vào các ngày cuối tuần. Đồng thời, tham gia trình diễn, trưng bày DSVH tại các sự kiện ở trong và ngoài tỉnh…
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Nhằm thực hiện tốt Luật DSVH và Kết luận số 28 ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25 ngày 31/8/2016 về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, đặc biệt là các DSVH phi vật thể với nhiều hoạt động thiết thực như: vinh danh, khen thưởng nghệ nhân; nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các DSVH; mở lớp truyền dạy; phát huy DSVH dân tộc thông qua tổ chức các sự kiện VHTT&DL…
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, ngành VHTT&DL đã chú trọng nhân rộng mô hình các CLB dân ca, mở các lớp truyền dạy DSVH phi vật thể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được khoảng 450 CLB văn hóa, thu hút trên 8.500 hội viên. Cùng đó, Sở VHTT& DL cũng tích cực tham mưu xây dựng các đề án bảo vệ, phát huy giá trị DSVH như: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030; Đề án bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2030…
Thực hiện các đề án, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, ngành VHTT&DL đã phối hợp tổ chức các sự kiện lớn tạo không gian phát triển các hoạt động DSVH như: Festival mùa Xuân Xứ Lạng; Lễ hội Kỳ Hoa… Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, ngành cũng tham gia trên 20 hoạt động văn hóa liên vùng, liên tỉnh như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), du lịch qua những miền di sản Việt Bắc (Thái Nguyên)…
Từ các hoạt động đó, nhiều DSVH đã và đang trở thành động lực cho phát triển du lịch, mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế – xã hội. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Lạng Sơn đón trên 2,2 triệu lượt khách, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu ước đạt 881 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Qua đây có thể thấy, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng, các DSVH của Lạng Sơn đã và đang tiếp tục được phát huy, không chỉ giúp nâng cao đời sống tinh thần người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.