Lạng Sơn: Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng
09/11/2023 | 15:58Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp tại các khu dân cư. VNQC phát triển đã góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Văn nghệ quần chúng có vai trò tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Những năm qua, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi và ngày càng phát triển sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Lan tỏa sâu rộng, phát triển mạnh mẽ
Hơn 10 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Yêu văn nghệ Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã phối hợp với các đội văn nghệ ở các thôn trong xã tổ chức hàng trăm chương trình biểu diễn văn nghệ có chất lượng phục vụ Nhân dân trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm của địa phương và của đất nước. Sự tích cực của các thành viên trong CLB đã góp phần đưa xã Yên Phúc trở thành một trong những điểm sáng của huyện về phong trào văn nghệ với 9/9 thôn có đội văn nghệ quần chúng hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Được biết, CLB Yêu văn nghệ Chợ Bãi thành lập từ năm 2009 và duy trì hoạt động trong suốt 14 năm qua, hiện nay CLB có hơn 20 thành viên. Trong quá trình hoạt động, CLB thường xuyên tìm kiếm phát hiện các hạt nhân văn nghệ ở các thôn và vận động tham gia CLB.
Ngoài Yên Phúc, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Quan cũng có phong trào VNQC phát triển mạnh. Bà Lương Thùy Nha, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện văn Quan cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 46 CLB, đội VNQC thu hút gần 1.000 thành viên tham gia (tăng hơn 20 CLB và hơn 400 thành viên so với năm 2020). Trong các chương trình văn nghệ của huyện, thôn, xã vào các dịp lễ hội truyền thống, tết, các ngày lễ kỷ niệm… đều có sự tham gia đóng góp các tiết mục từ các CLB VNQC. Trung bình mỗi năm, các CLB tham gia từ 5 đến 8 cuộc giao lưu, biểu diễn. Có thể khẳng định rằng thời gian qua các đội VNQC đóng vai trò nòng cốt không chỉ trong việc duy trì phong trào tại địa phương mà còn góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Không riêng huyện Văn Quan, những năm qua, phong trào VNQC phát triển ngày càng mạnh mẽ với trên 90% thôn, xóm, khu dân cư trong tỉnh có đội VNQC thường xuyên sinh hoạt. Trung bình mỗi CLB, tổ, đội có từ 15 đến 30 thành viên tham gia. Nhiều đội hoạt động tích cực và hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương. Vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương, bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, những “diễn viên không chuyên” đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Ông Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Hiện nay, trung tâm có khoảng 50 CLB, tổ VNQC trực thuộc. Hằng năm, trung tâm đều tổ chức từ 10 đến 20 lớp tập huấn cho hội viên các CLB văn hóa – nghệ thuật trực thuộc trung tâm và hội viên các CLB VNQC tại cơ sở với các nội dung như: kỹ năng dàn dựng chương trình ca múa nhạc; múa cơ bản; kỹ năng sáng tác và trình diễn… Đặc biệt, để nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB trực thuộc, chúng tôi thường xuyên quan tâm, định hướng nội dung, bảo đảm kết nối thông tin hai chiều giữa ban chủ nhiệm các CLB với các phòng chức năng của trung tâm. Qua đó, chất lượng các tiết mục biểu diễn của các CLB VNQC ngày càng được nâng lên.
Triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trước khi thành lập, các câu lạc bộ được truyền dạy các kiến thức, thực hành trình diễn một số loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian và được đầu tư trang phục, dụng cụ phục vụ sinh hoạt và biểu diễn với tổng chi phí hỗ trợ khoảng 1,2 tỷ đồng. Các câu lạc bộ đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Động lực thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở cơ sở
Để tổ chức tốt các phong trào văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, các cấp chính quyền đã không ngừng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, từ việc hỗ trợ đạo cụ, loa đài, trang phục… tới việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 250 nhà văn hóa thôn được xây mới, sửa chữa; đầu tư gần 200 bộ trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà văn hóa… với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.666/1.676 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 99,4%).
Song song với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức nhiều “sân chơi” bổ ích thúc đẩy hoạt động VNQC phát triển. Cụ thể, tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng và liên hoan dân ca cấp tỉnh định kỳ 2 năm/ lần, các cuộc liên hoan dân ca, khiêu vũ, nghệ thuật đường phố; tuần văn hoá, thể thao và du lịch… được tổ chức trong dịp đầu xuân hằng năm. Ngành chức năng cũng hỗ trợ và tạo điều kiện tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, hội thi tại cơ sở và các đơn vị cho các CLB, đội VNQC trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hằng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức, trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ – thể thao thu hút người dân tham gia. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các cuộc giao lưu VNQC quy mô cấp huyện. Riêng 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 100 chương trình VNQC được tổ chức (tăng gần 50 chương trình so với cả năm 2022), trong đó, hầu hết các tiết mục đều khai thác chất liệu văn hóa dân tộc như: trang phục, điệu múa, điệu nhạc, các làn điệu hát sli, then, lượn… Qua đó, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng.
Từ thực tế trên cho thấy, hoạt động văn hóa, VNQC đã, đang khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Sức hấp dẫn của phong trào VNQC ngày càng được khẳng định, người dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhờ đó, mặc dù được thành lập và hoạt động hoàn toàn từ kinh phí xã hội hóa, song các CLB vẫn duy trì và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Bà Hoàng Thị Vẻ, Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia cho biết: CLB thành lập từ năm 2017 có 21 người. Lúc mới thành lập các thành viên đều chưa biết đàn, hát. Bằng sự hỗ trợ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và tình yêu mãnh liệt với dân ca, mỗi thành viên đều nỗ lực vượt qua khó khăn. Đến nay, toàn bộ thành viên CLB đều thành thạo đàn, hát dân ca và thu hút thêm thành viên, hiện nay, CLB có 28 người. Từ khi có đội văn nghệ, bà con trong xã thường xuyên có được “món ăn tinh thần” sau những ngày lao động vất vả. Những thành viên đàn hay, hát giỏi hướng dẫn cho các thành viên khác để tiếng đàn, lời ca, các tiết mục diễn ngày một hay hơn. Vì thế, mỗi hội viên tham gia CLB đều rất vui vẻ và tự nguyện đóng góp từ 100.000 – 200.000 đồng/tháng để duy trì sinh hoạt.
Không chỉ xã hội hóa trong đầu tư trang phục, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ, từ năm 2022 đến nay, Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được hơn 12 tỷ đồng, hơn 7.000 ngày công lao động và hiến gần 5.000m2 đất để xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Để duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trong thời gian tới, mô hình các CLB, đội văn nghệ sẽ tiếp tục được nhân rộng. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.