Lạng Sơn: Phát triển du lịch - Cần nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực
13/07/2022 | 11:24Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành du lịch đang phục hồi trong giai đoạn bình thường mới song vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó có sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Trước thực tế đó, ngành văn hóa – thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thiết thực để củng cố, bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phục hồi, phát triển du lịch Xứ Lạng.
Thiếu cả lượng và chất
Sau thời gian dài “đóng băng” do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch – lữ hành đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự. Ông Lý Xuân Thạch, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Vũ (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Hiện nay, số lượng hướng dẫn viên của công ty còn 4 người (giảm 4 người so với năm 2019), trong khi nhu cầu của công ty là 10 nhân sự. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, từ tháng 4/2022 đến nay, lượng khách đặt tour du lịch trong 2 kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5 và dịp nghỉ hè tăng đột biến, mặc dù chúng tôi cũng đã tăng cường tuyển dụng thêm, song nguồn nhân lực trên địa bàn vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Do thiếu nhân lực, chúng tôi đã rất vất vả điều phối nhân sự để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch trên địa bàn. Phân tích về nguyên nhân, bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường du lịch “đóng băng”, nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh. Một số nhân viên cũ có kinh nghiệm đã chuyển sang công việc khác, trong khi những người mới chưa đủ thời gian đào tạo, dẫn đến thất thoát nhân lực, thiếu hụt nhân lực đối với lĩnh vực du lịch.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL, toàn tỉnh hiện có hơn 3.900 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch (như: tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo ngành du lịch, hệ thống các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch), giảm gần 30% so với năm 2019 – thời điểm chưa có dịch COVID-19. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu của Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 thì ngành VHTT&DL cần phấn đấu tăng số lượng lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch lên 7.000 người vào năm 2025, đây đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành.
Cùng với số lượng, chất lượng của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch cũng đang là một trong những vấn đề cần quan tâm. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL nhận định: Hiện nay, số lao động du lịch của tỉnh được đào tạo đúng chuyên ngành còn ít (chỉ chiếm khoảng 20%). Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng hấp dẫn những người có trình độ, kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực; thu nhập từ các hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh chưa ổn định; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động còn hạn chế…
Những giải pháp căn cơ
Đứng trước yêu cầu của thực tiễn phát triển du lịch trong giai đoạn mới, tỉnh cần có nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng và chất lượng. Ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch nhận định: Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn tới chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, với những mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao. Do đó, Lạng Sơn cần xây dựng hệ thống giải pháp để có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh hội nhập quốc tế du lịch sâu, toàn diện và tác động đa chiều với tốc độ cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Được biết, hằng năm, hơn 240 cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch đều được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, các khóa học về du lịch từ Tổng cục Du lịch tổ chức… Nổi bật, từ năm 2021 đến nay, ngành VHTT&DL đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị, tập đoàn có dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thực hiện tổ chức 5 khóa tập huấn với hơn 500 học viên là các cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, nhân viên tại các cơ sở lưu trú du lịch, các hộ làm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Đáng chú ý, nhằm tôn vinh những người hoạt động trong kinh doanh du lịch, tiến tới chuẩn hóa nhân sự ngành theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam, Sở VHTT&DL đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi dành cho đội ngũ hướng dẫn viên, các nhân viên hoạt động trong các cơ sở lưu trú du lịch như: Tổ chức hội thi nghiệp vụ lễ tân, phục vụ bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 và Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi tỉnh Lạng Sơn năm 2022”. Cùng với đó, ngành VHTT&DL chú trọng việc đưa các hộ làm du lịch đi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa cho cộng đồng dân cư làm du lịch homestay…
Theo ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh bước đầu được quan tâm. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tốc độ phát triển du lịch hiện nay, nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục những khó khăn này, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra đối với lĩnh vực du lịch cũng như thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, ngành VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để phát triển du lịch, trong đó, có các giải pháp trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực du lịch như: đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư chuẩn hóa các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên để tuyển sinh và đào tạo nghề du lịch. Tăng cường hợp tác và khuyến khích các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp đầu tư đào tạo nhân lực; có chính sách hỗ trợ cán bộ tại các cơ sở đào tạo nâng cao trình độ; chính sách ưu đãi trọng dụng cán bộ chất lượng cao ở nơi khác về Lạng Sơn làm việc…
Thiết nghĩ, để thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 (thu hút trên 4,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 5.200 tỷ đồng), ngoài sự nỗ lực của ngành VHTT&DL, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành trong việc phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực du lịch nói riêng… Sở VHTTDL cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Lạng Sơn và Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh đến năm 2030. Từ đó, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Bà Dương Thị Hạnh- Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, May & Du lịch; Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn
"Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn hiện đang đào tạo 13 học sinh chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch hệ trung cấp (không có sinh viên hệ cao đẳng). Do đặc thù trường đào tạo nghề nên chất lượng đầu vào học sinh thường yếu và thiếu. Nhiều em nhận thức ngành nghề chưa thấu đáo nên dẫn đến chất lượng học tập chưa cao.
Mặt khác, hiện nay, ở trường có duy nhất tôi là giáo viên giảng dạy chuyên ngành du lịch. Cùng đó, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn khác như: thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nên chất lượng đào tạo chưa cao. Vì thế, thời gian tới, tôi rất mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực du lịch trẻ trên địa bàn, cũng như xây dựng các chính sách ưu đãi, chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh, sinh viên học chuyên ngành… để thu hút đội ngũ này cho mục tiêu phát triển du lịch".