Lạng Sơn: Mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
22/05/2023 | 15:21Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã thường xuyên hợp tác với các đoàn chuyên gia, đoàn công tác của quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản nhằm phát huy những giá trị và thế mạnh của vùng đất Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được ngành VHTT&DL tích cực triển khai. Trong đó, hướng đến mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế về bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu là một giải pháp được ngành chú trọng đẩy mạnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các hoạt động ngoại giao với các địa phương ở các nước như: Nga, Pháp, Hàn Quốc… Đặc biệt là với Quảng Tây (Trung Quốc).
Nội dung giao lưu, hợp tác chủ yếu là: giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử truyền thống của cộng đồng các dân tộc, thám sát, khai quật khảo cổ; giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch; công tác quản lý, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao…
Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực văn hóa đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả. Nổi bật trong lĩnh vực di sản, khảo cổ, phải kể đến hoạt động hợp tác do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học và các đoàn chuyên gia nước ngoài thực hiện. Cụ thể, các nhà khoa học thuộc các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học của Mỹ, Pháp, Úc đã nhiều lần đến Lạng Sơn để thám sát, khai quật khảo cổ. Thông qua đó đã phát hiện và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh bộ sưu tập gồm 1.690 hiện vật. Đây là bộ sưu tập hiện vật rất phong phú, bao gồm hóa thạch của nhiều loài động vật giai đoạn Hậu kỳ Cánh Tân như đười ươi, voi răng kiếm, voi châu Á, răng tê giác, hươu, nai, trâu, bò, nhím, lợn rừng, gấu ngựa… Trong đợt công tác mới nhất cuối năm 2022, nhóm các nhà khoa học Mỹ, Úc và Việt Nam đã tập trung nghiên cứu các mẫu răng Pongo (đười ươi). Bằng phương pháp nghiên cứu trực quan và phân tích mẫu, các hoạt động này đã từng bước làm sáng tỏ các vấn đề về môi trường cổ, sự phát triển của loài người ở Việt Nam.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đơn vị. Hợp tác quốc tế không chỉ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động bảo tàng mà còn giúp đội ngũ cán bộ của bảo tàng nắm bắt kinh nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức để có thể chủ động triển khai thực hiện các công việc chuyên môn của mình. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã đón gần 10 đoàn chuyên gia nước ngoài đến khảo sát khảo cổ học tại các di chỉ, di tích trên địa bàn…
Ngoài ra, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã và đang xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nhằm góp phần phát triển bền vững của tỉnh. Vì thế, ngành chức năng đã tích cực phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia tư vấn của UNESCO tiến hành khảo sát, đánh giá các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa phục vụ xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn; tư vấn đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm tham quan Công viên địa chất; xây dựng hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngành cũng liên kết, hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác nhằm tuyên truyền quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát triển, xây dựng hồ sơ Công viên địa chất với công viên địa chất các nước (công viên địa chất: Đảo Oki (Nhật Bản), Diên Khánh (Trung Quốc), Adamello-Brenta (Italia)… tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn thường niên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Việt Nam.
Theo Sở VHTT&DL, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đón 51 đoàn gồm: 29 đoàn Trung Quốc, 18 đoàn nghiên cứu sinh và nhà khảo cổ các nước Nga, Pháp; 4 đoàn Anh, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc sang thăm, khảo sát du lịch văn hóa Lạng Sơn. Tỉnh cũng tổ chức 69 đoàn thăm và làm việc tại nước ngoài; tham gia 11 cuộc liên hoan nghệ thuật, chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.
Nhờ những giải pháp tích cực, những nét đẹp trong di sản văn hóa của tỉnh Lạng Sơn được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn như: di sản thực hành Then đã được UNESCO công nhận; các di sản địa chất, văn hóa vùng Công viên địa chất Lạng Sơn… Cũng thông qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, ngành VHTT&DL tỉnh đã được trau dồi kiến thức, thường xuyên được tư vấn về chuyên môn, quy trình thủ tục, hướng dẫn cách thức, trình tự tháo gỡ khó khăn và được chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.
Qua đây có thể thấy, sự hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, quảng bá đã và đang góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa xứ Lạng và tạo sức hút đối với du khách ở trong và ngoài nước từ đó ngày càng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất – Khoáng sản
"Vùng đất Lạng Sơn được các nhà địa chất Pháp, Liên Xô, Việt Nam… điều tra, khảo sát liên tục từ hàng trăm năm nay và có rất nhiều phân vị địa chất đã lần đầu tiên được nghiên cứu, điều tra khảo sát ở đây. Cũng vì thế mà những phân vị địa chất này được đặt tên theo các địa danh ở Lạng Sơn, ví dụ: Mỏ Nhài, Tân Lập hay Tam Hoa, Bắc Sơn, Lạng Sơn, Đồng Đăng, Bình Gia… Tại các địa danh trên, có nhiều giống loài cổ sinh đã được tìm thấy và được phát hiện như: tay cuộn, hai mảnh vỏ, san hô… Đặc sắc nhất là trong khoảng thời gian từ 40 đến 20 triệu năm trước, tại Lạng Sơn đã có khu vực nổi tiếng được biết đến đó là khu vực Na Dương, huyện Lộc Bình với rất nhiều giống loài cổ sinh lần đầu tiên được các chuyên gia nước ngoài phát hiện.
Để phát huy giá trị những di sản địa chất này, qua một số chương trình khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, đoàn công tác chuyên gia tư vấn UNESCO chúng tôi gồm các chuyên gia trong và ngoài nước đã thống nhất lựa chọn ra một số điểm giàu tiềm năng, triển vọng trên địa bàn các huyện, thành phố của Lạng Sơn để xây dựng 4 tuyến tham quan. Trong đó, mỗi tuyến tham quan được xây dựng đều có các điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất một số làng nghề tiêu biểu và ít nhất một điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Qua đó, góp phần tích cực vào hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh".