Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lạng Sơn: Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ - Hiệu quả từ những cách làm hay

21/03/2023 | 15:08

Với mục đích giúp thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa Xứ Lạng, thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL), ngành giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục về di sản đến thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Lạng Sơn đang sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa đồ sộ ở đầy đủ hai loại hình, trong đó tiêu biểu là đang nắm giữ 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của đồng bào Tày, Nùng). Để nâng cao nhận thức, giới thiệu sâu sắc và toàn diện về di sản văn hóa, truyền thống lịch sử văn hóa tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, Sở VHTT&DL đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giới thiệu di sản văn hóa với nhiều hình thức như: tổ chức triển lãm lưu động và chuyên đề nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa của trung ương, của tỉnh tại các trường học; tích cực đưa trò chơi dân gian vào trường học, mời nghệ nhân dân gian truyền dạy di sản tại các trường học…

Lạng Sơn: Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ - Hiệu quả từ những cách làm hay - Ảnh 1.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu ý nghĩa tư liệu thư tịch cổ về Lạng Sơn cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Bắc Sơn

Toàn tỉnh hiện có 1 bảo tàng cấp tỉnh, 1 bảo tàng cấp huyện (huyện Bắc Sơn), 1 Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng) và 5 khu/nhà di tích lưu niệm. Những năm qua, bên cạnh việc sưu tầm, bảo quản, trưng bày các hiện vật, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận gần hơn với di sản văn hóa địa phương.

Tiêu biểu như Bảo tàng tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan nhà trưng bày bảo tàng, triển lãm lưu động tại cơ sở; phối hợp một số trường học tổ chức các cuộc thi: em yêu lịch sử, tìm hiểu về di sản văn hóa… Qua đó, trung bình mỗi năm Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp khoảng 10.000 lượt khách (trong đó, trên 90% là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên).

Ông Bế Văn Tằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Bắc sơn cho biết: Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh và nhà trường đã phối hợp thực hiện triển lãm lưu động và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử. Hoạt động này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các em đã được nghe thuyết minh viên giới thiệu về ý nghĩa, nguồn gốc lịch sử, tên gọi các địa danh của tỉnh; được đọc những cuốn sách và trải nghiệm nhiều trò chơi tìm hiểu về kiến thức lịch sử…

Cùng với đó, các trường học trong tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương. Đơn cử, một số trường tại huyện Bình Gia xây dựng mô hình lớp học về nguồn tại di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai; tại huyện Bắc Sơn xây dựng chương trình con đường đi bộ giáo dục, trải nghiệm tại Đền thờ Liệt sĩ Bắc Sơn, làng ngói âm dương, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn. Một số trường học tại huyện Chi Lăng phối hợp với Nhà Trưng bày Chiến thắng Chi Lăng tổ chức chương trình trải nghiệm “Lịch sử bước ra từ trang sách”, “Hát Quốc ca ở 1 địa chỉ đỏ”, “Em yêu lịch sử quê em”; các trường học tại thành phố Lạng Sơn phối hợp với Chùa Tam Thanh tổ chức cho học sinh đến tham quan tại chùa…

Em Hoàng Thị Minh Thư, lớp 11A1, Trường THPT Hòa Bình, huyện Chi Lăng cho biết: Tháng 10/2022, em cùng các bạn được tham gia một số hoạt động trải nghiệm tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. Tại đây, chúng em được giới thiệu về di tích lịch sử Chi Lăng, về những anh hùng dân tộc và được tham gia các trò chơi dân gian. So với việc học lý thuyết qua sách vở thì với việc vừa học, vừa chơi như thế này chúng em thấy rất lý thú, dễ tiếp thu kiến thức hơn.

Ngoài ra, một số trường đã đưa di sản văn hóa phi vật thể (hát then, đàn tính; múa sư tử mèo…) vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa. Đến nay, cả tỉnh có 23 trường ở cấp tiểu học, THCS, THPT đã và đang tổ chức truyền dạy và thành lập được các CLB hát then, đàn tính, múa sư tử mèo, thu hút trên 400 học sinh theo học, tăng 60% so với năm 2018…

Để nhân lên tình yêu di sản văn hóa của thế hệ trẻ Xứ Lạng, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai những cách làm hay và nghiên cứu triển khai nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa hơn nữa trong việc giới thiệu, quảng bá, giáo dục những thông tin, kiến thức về các di sản văn hóa của tỉnh đến thế hệ trẻ.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×