Lạng Sơn: Đảm bảo mùa lễ hội xuân văn minh, an toàn, giàu bản sắc
11/02/2025 | 16:18Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời điểm bắt đầu các lễ hội trong năm. Những ngày này, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội an toàn, văn minh đã được các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tích cực triển khai, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và du khách.
Người dân tham gia trò chơi đẩy gậy tại lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn.
Theo kết quả kiểm kê, rà soát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân. Các lễ hội góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, vì vậy, việc đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh là một trong những nhiệm vụ luôn được các cấp, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân 2025, chúng tôi đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó, tại các lễ hội, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ; kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng "chặt chém" du khách. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các huyện, thành phố phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút du khách....
Theo đó, từ trước và ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sở VHTTDL đã thành lập đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại di tích đền Bắc Lệ và đền Quan Giám Sát, đồng thời kiểm tra tại 2 lễ hội điểm của các huyện là lễ hội Tân Văn, huyện Bình Gia và Lễ hội lồng tồng thôn Khòn Khẻ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan; đoàn cũng kiểm tra 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và du lịch… Được biết, trong tháng Giêng, đoàn tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra tại một số di tích tiêu biểu gắn với lễ hội điểm của các huyện, thành phố và nắm bắt tình hình về việc thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử văn hóa…
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp tỉnh, để nâng cao chất lượng lễ hội, UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa bàn tổ chức. Nhiều địa bàn đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng giao thông, chỉnh trang khu vực diễn ra lễ hội. Đồng thời, nhiều lễ hội còn đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội. Tiêu biểu như tại lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn tổ chức các hoạt động, nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian như: Sĩ - Nông - Công - Thương, đánh đu, đánh cờ; hay như tại lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) tổ chức các chương trình văn nghệ, ẩm thực, nghi thức, trò chơi dân gian như: nghi thức tranh đầu pháo, trò chơi lảy cỏ, giao lưu hát sli, then, lượn và hội thi quay lợn, đặc biệt là hoạt động rước kiệu Long đình đức Quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ và đoàn rước trở về ngày 27 tháng Giêng... Qua việc phục dựng và duy trì đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Xứ Lạng mùa lễ hội.
![Lạng Sơn: Đảm bảo mùa lễ hội xuân văn minh, an toàn, giàu bản sắc - Ảnh 2. Lạng Sơn: Đảm bảo mùa lễ hội xuân văn minh, an toàn, giàu bản sắc - Ảnh 2.](https://bvhttdl.mediacdn.vn/291773308735864832/2025/2/11/1102langson2-1739265223141-17392652234231905364945.jpg)
Đoàn công tác của Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh kiểm tra công tác thực hiện nếp sống văn minh tại di tích Đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
Một trong những lễ hội điểm tổ chức sớm, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách trong mùa lễ hội năm nay là Lễ hội lồng tồng xã Tân Văn, huyện Bình Gia (mùng 6 tháng Giêng). Ông Hoàng Kim Hữu, Chủ tịch UBND xã Tân Văn, huyện Bình Gia chia sẻ: Được chọn là lễ hội điểm của huyện nên năm nay du khách về dự hội rất đông, vì thế để đảm bảo cho các hoạt động lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, ngay từ cuối năm 2024, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong công tác tổ chức lễ hội; phân công dọn dẹp, vệ sinh môi trường sạch sẽ trước khu vực cổng di tích hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (khu vực tổ chức khai mạc lễ hội) và tạo sự thông thoáng khu vực bãi đỗ xe cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng bố trí lực lượng phù hợp để phân luồng giao thông, hướng dẫn khu vực gửi xe.
Ông Trần Văn Bình, du khách đến từ Thái Nguyên cho biết: Tôi rất thích không khí lễ hội ở Lạng Sơn. Năm nay, tham gia lễ hội ở Tân Văn, huyện Bình Gia, tôi được xem múa sư tử mèo, hát then và được thưởng thức bánh củ chuối, bánh khẩu sli. Tôi hy vọng rằng, Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp này để thu hút ngày càng nhiều du khách.
Cùng với huyện Bình Gia, huyện Hữu Lũng cũng tích cực chuẩn bị cho 27 lễ hội đầu xuân. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025. Năm nay, huyện lựa chọn hội chợ Mẹt và Lê hội Đình Bơi diễn ra từ ngày 09/02 đến ngày 11/02/2025 (tức ngày 12 đến ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ) để chỉ đạo và tổ chức khai mạc với quy mô cấp huyện, trong đó sẽ tổ chức gắn kết lễ hội với gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các lễ hội ở Lạng Sơn hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
![Lạng Sơn: Đảm bảo mùa lễ hội xuân văn minh, an toàn, giàu bản sắc - Ảnh 3. Lạng Sơn: Đảm bảo mùa lễ hội xuân văn minh, an toàn, giàu bản sắc - Ảnh 3.](https://bvhttdl.mediacdn.vn/291773308735864832/2025/2/11/1102langson3-1739265223951-1739265224141184999497.jpg)