Lan tỏa tình yêu di sản Huế trong học đường
24/11/2022 | 08:23Từ cuối tháng 8.2022 đến nay, hệ thống di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế liên tục đón các đoàn học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hoạt động văn hóa. Từ trẻ khối mầm non cho đến học sinh các cấp Tiểu học, THCS, THPT đều hào hứng tham gia những chương trình được xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi.
Theo đó, các em được tham quan, tìm hiểu về lịch sử các vị vua chúa nhà Nguyễn, các khu lăng tẩm và điểm di tích thuộc Di sản Huế như: Đại Nội, lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Cung An Định, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế…
Tại Đại Nội, hướng dẫn viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô giới thiệu với các em về Kinh thành Huế, Hoàng thành, Kỳ Đài, cửa ra vào Kinh thành và Hoàng thành, Cửu vị thần công cùng các công trình tiêu biểu dưới thời triều Nguyễn trong Hoàng thành (cổng Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng, điện Thái Hòa, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Điện Phụng Tiên, Trường Lang, vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ…); đồng thời tìm hiểu về hoa văn, họa tiết, linh vật, Cửu đỉnh tại các công trình tiêu biểu…
Không chỉ trải nghiệm tham quan di sản văn hóa vật thể, học sinh các cấp học cũng được tiếp cận với di sản phi vật thể cung đình xưa, như xem biểu diễn tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ Môn; xem biểu diễn Nhã nhạc, múa Cung đình tại nhà hát Duyệt Thị Đường; xem biểu diễn ca Huế xưa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Thừa Thiên Huế sở hữu kho tàng đồ sộ hệ thống di tích văn hóa vật thể và phi vật thể nên rất có “lợi thế” để lan tỏa tình yêu văn hóa di sản trong học đường. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, từ đầu năm 2022 đến nay, các điểm di tích thuộc Trung tâm quản lý đã đón gần 220 đoàn với hơn 31.000 học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Chương trình giáo dục Di sản Huế đã được Trung tâm và Phòng GD&ĐT TP Huế hợp tác xây dựng bài bản, kết hợp tham quan tìm hiểu từ thực tế với các hoạt động trải nghiệm trò chơi cung đình như xăm hường, bài vụ, thả thơ, đầu hồ, các trò chơi dân gian, trò chơi tìm hiểu di sản, hỏi đáp nhanh, tô màu di sản…, giúp cho các em tiếp cận, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê với lịch sử của ông cha cũng như di sản văn hóa Huế.
Ông Nguyễn Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Huế cho biết: “Đưa giáo dục di sản, văn hoá và nghệ thuật truyền thống vào trường học nhằm giúp học sinh hiểu và nắm vững lịch sử văn hóa Huế. Qua quá trình trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, các em sẽ được trau dồi, vun đắp tình yêu đối với di sản, truyền thống văn hóa, góp phần hình thành nên những công dân có ích cho đất nước thông qua tình yêu và sự trân trọng đối với những giá trị quý báu của dân tộc”.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: “Trung tâm và Phòng GD&ĐT TP Huế vừa thực hiện ký kết chương trình hợp tác trong vòng 5 năm, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2026-2027. Mỗi năm, cả hai bên sẽ cùng xây dựng kế hoạch chi tiết với các khung chương trình giáo dục phù hợp nhằm thúc đẩy và mang lại hiệu quả tích cực của việc giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật truyền thống trong học đường”.