Lan tỏa Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Quảng Ngãi
27/02/2024 | 10:15Chiều 26/2, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào chủ trì Hội nghị.
Năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các giải pháp tiếp tục đưa Phong trào đi vào thực chất, nâng chất lượng các danh hiệu văn hóa. Qua đó, góp phần hình thành cho người dân thói quen xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại địa bàn dân cư, duy trì, giữ vững các danh hiệu văn hóa.
Việc triển khai thực hiện Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa phát triển đồng đều ở các địa phương, vùng, miền. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, đồng bằng và miền núi. Chất lượng của các thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa ngày càng được nâng lên. Từ phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách được Nhân dân tại các thôn, tổ dân phố hưởng ứng với tinh thần cao.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 92% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có 89,7% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có 129 CLB “Gia đình phát triển bền vững”, 190 CLB, nhóm PCBLGĐ. Hầu hết các mô hình, CLB, nhóm sinh hoạt định kỳ theo quý hoặc 1 tháng/lần. Chủ nhiệm, nhóm trưởng/phó của các CLB, nhóm luôn tích cực trong công tác nắm bắt thông tin và kịp thời phối hợp với tổ hòa giải can thiệp, hòa giải, hỗ trợ tư vấn kịp thời các nạn nhân bạo lực gia đình….
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho rằng, kết quả chỉ tiêu đạt được trong năm 2023 đạt cao và vượt so với kế hoạch đặt ra là điều đáng mừng, cho thấy Phong trào đã ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn nạn trong gia đình và xã hội đáng để suy ngẫm, trăn trở. Trên địa bàn tỉnh, tuy số vụ bạo lực gia đình giảm hơn năm trước nhưng số vụ án hình sự về bạo lực gia đình lại diễn ra nhiều và nghiêm trọng hơn. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp. Các tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập dần vào mỗi gia đình...
Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hưởng ứng Phong trào; công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp huyện, cấp cơ sở chưa thường xuyên, liên tục. Các thiết chế văn hóa hiện nay ở cơ sở chưa phát huy hết công năng.
Để phát huy hiệu quả của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2024 và trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan thành viên BCĐ Phong trào tỉnh, các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền về Phong trào và công tác gia đình, xây dựng nội dung tuyên truyền và phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa phương; xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình. Triển khai hiệu quả Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
“Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về gia đình, văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn. Việc xây dựng các danh hiệu văn hóa phải đảm bảo ngày càng chất lượng, đúng quy trình, tiêu chuẩn. Quan tâm xây dựng phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đã trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình năm 2023”.