Lần đầu tiên công diễn Nhạc kịch “Con dơi” tại TP Hồ Chí Minh
18/08/2017 | 07:30Trong khuôn khổ Liên hoan “Giai điệu mùa thu”, vở nhạc kịch “con dơi” sẽ lần đầu tiên được các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh công diễn trong hai đêm 19 & 20/8/2017 tại Nhà hát thành phố.
Nhạc kịch “con dơi” là một trong những điểm nhấn đặc sắc của Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” 2017. Được sáng tác không ngừng nghỉ trong 42 đêm rực tràn sinh khí, đây là vở operetta nổi tiếng nhất và được ca ngợi nhiều nhất của nhạc sĩ thiên tài J. Strauss II.
“Con dơi” là dự án hợp tác giữa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh và Viện Goethe. Nguồn: HBSO
“Con dơi” là dự án hợp tác giữa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh và Viện Goethe, với sự tham gia của các chuyên gia người Đức như nhạc trưởng Askan Siegfried Geisler và đạo diễn opera David Hermann, dàn dựng hợp xướng và chỉ huy Trần Nhật Minh.
Câu chuyện xoay quanh kế hoạch trả đũa của Bác sĩ Falke với Eisenstein. Trong quá khứ, Falke đã từng bị Eisenstein bỏ rơi ngoài công viên sau một tiệc hóa trang. Sáng hôm sau, khi Falke thức giấc thì bị đám đông chế nhạo, buộc phải lủi thủi về nhà trong trang phục một con dơi. Một đêm, Falke thuyết phục Eisenstein đi cùng mình đến vũ hội hóa trang thay vì nhà giam. Falke cũng đề nghị Rosalinda, vợ của Eisenstein đến dự tiệc của Thái tử Orlofsky hóa trang làm Nữ bá tước Hungary. Rosalinda đến nơi trong chiếc mặt nạ, và Eisenstein đã cưa cẩm chính vợ mình mà không hề hay biết. Không dừng lại ở vợ chồng Eisenstein, dưới bàn tay của Falke, Alfred, tình địch của Eisenstein, lại bị nhận nhầm là Eisenstein, cô hầu gái nhà Eisenstein lại trở thành nữ diễn viên trong dạ tiệc của Thái tử. Cao trào của vở là khi tất cả đều gặp nhau tại nhà giam sau khi buổi tiệc kết thúc. Bác sĩ Falke đã thông báo với Eisenstein toàn bộ kế hoạch trả đũa của mình trong dạ vũ đêm ấy.
Thông qua chuyến du hành từ khuê phòng đến vũ hội rồi song sắt nhà giam, Johann Strauss đã tạo ra một vở kịch đầy sắc màu với chiêu trò tán tỉnh, những tủn mủn và mơ hồ của giới thượng lưu, nhưng được chuyên chở bằng một tổng thể âm thanh sặc sỡ, đầy ắp giai điệu như chính các xúc cảm đa dạng của con người. Từ đó, dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, và những góc nhìn thực tế đến kinh ngạc về đời sống dân thị thành xưa kia./.
Gia Linh