Lâm Đồng: Quản lý du lịch trong đại dịch
02/06/2021 | 09:00Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng đạt khoảng 1,97 triệu lượt (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020). Nếu không có đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, thì lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ còn khả quan hơn.
Tuy nhiên, biến cố ca F0-3141 đến Đà Lạt ngay trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua dường như là cú test (thử) đầu tiên cho sức chịu đựng của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong đại dịch COVID-19.
Thật may mắn, ngày 25/5/2021, hơn 100 ca F1 của bệnh nhân 3141 cho kết quả âm tính lần 3 và được trở về nhà, tiếp tục cách ly thêm 1 tuần nữa trước khi được hoạt động bình thường. Nhưng, từ khi phát hiện ra ca F0 vào ngày 8/5/2021, Đà Lạt dường như nghẹt thở, bởi chuỗi hoạt động rất nhiệt tình của ca F0 này ở Đà Lạt, với trên 20 điểm dừng chân, khiến 776 trường hợp phải cách ly y tế (237 F1 và 539 F2) và mọi hoạt động của Đà Lạt trong 20 ngày qua còn yên ắng hơn khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội năm trước (1/4-15/4/2020)...
Đồng hành cùng với việc thực hiện nhiệm vụ kép trong tình hình bình thường mới, ngành du lịch Lâm Đồng nghiêm túc chỉ đạo và triển khai các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đến tất cả các cơ sở du lịch trên toàn tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, Lâm Đồng đã có 2 văn bản về quản lý du lịch. Đó là Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Văn bản số 609 /VHTTDL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng ban hành ngày 4/5/2021, về việc tăng cường quản lý hoạt động du lịch cắm trại dã ngoại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cả hai văn bản đều có hiệu lực tại ngày ký cùng với các nghị định và Luật Du lịch đang được triển khai giúp cho công tác quản lý và hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường... đặc biệt, có những tác động nhất định trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ lần thứ 4 này.
Quyết định 933 quy định diện tích tối thiểu cho mỗi điểm du lịch canh nông là 5.000 m2; đồng thời, cho phép một tỷ lệ đất được chuyển đổi công năng, giúp tăng thêm không gian và tiện ích phục vụ khách du lịch. Văn bản 609 quy định chế tài xử phạt đối với các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch dã ngoại không đáp ứng các tiêu chí; cũng để du khách được phục vụ tốt hơn, lại đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn trong điều kiện cắm trại dã ngoại ngoài tự nhiên; tức là, bãi cắm trại du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch (có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung, có tủ thuốc cấp cứu ban đầu, có nhân viên bảo vệ trực khi có khách)...
Từ năm 2015, Lâm Đồng đã triển khai công tác quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 29/1/2015 của UBND tỉnh và đã được các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, Công an các huyện, thành phố đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký khách qua mạng Internet cho gần như toàn bộ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Đề án đăng ký khách qua mạng đã nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các hoạt động giao tiếp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở kinh doanh lưu trú qua mạng Internet, như: gửi giấy mời, thông báo, triển khai các văn bản mới của Nhà nước về du lịch... Giúp các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành công an có thể quản lý, theo dõi và nhanh chóng phát hiện các đối tượng tội phạm đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh.
Thạc sỹ Hoàng Ngọc Huy - Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Nói đến du lịch bền vững, phải chú ý đến các trục, là tăng trưởng về mặt kinh tế - tăng doanh thu của ngành du lịch và tạo công ăn việc làm cho người lao động - đảm bảo các vấn đề xã hội... Lao động trong ngành du lịch phải được bảo đảm an toàn và an tâm trong khi làm việc, đồng thời, có ý thức bảo vệ môi trường. Trong điều kiện COVID-19 hoành hành như hiện nay, trước, trong và sau dịch - cách làm du lịch sẽ khác nhau, cách thức phục vụ trong mỗi loại hình du lịch cũng sẽ khác nhau, đặc biệt là loại hình du lịch trải nghiệm cho giới trẻ...
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định, cấp quyết định cho một số bãi cắm trại đáp ứng đầy đủ các quy định và đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch ở Đà Lạt, Lạc Dương và Bảo Lộc. Đồng thời, đang tiến hành nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hoạt động du lịch canh nông theo tiêu chí mới và sẽ cấp quyết định công nhận trong vòng 30, với trình tự: trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thẩm định, trình UBND tỉnh; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định công nhận điểm du lịch canh nông; trường hợp từ chối, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, du lịch Lâm Đồng cũng được tăng cường cơ sở pháp lý để hoạt động chuyên nghiệp và có cơ hội thu hút khách nhiều hơn một cách an toàn và bền vững./.