Lâm Đồng đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2030
02/09/2022 | 06:24Lâm Đồng được xem là một trong những vùng kinh tế mới, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện sự nghiệp đổi mới, kinh tế của tỉnh đã có những phát triển vượt bậc và vững chắc, nhờ vậy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng được quan tâm đầu tư.
Hiện, 12/12 huyện có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao các huyện, thành phố phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện, thành phố đã tổ chức được nhiều hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, hội thao... Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh hiện có 139/142 thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,88% với quỹ đất xây dựng trên 53.000m2. Đặc biệt một số nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: Xã Tân Hà, Nam Ban (huyện Lâm Hà), xã Tân Hội (huyện Đức Trọng), xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt), xã Đạ Tông (huyện Đam Rông), xã Quốc Oai (huyện Đạ Huoai)…
Cấp thôn, tổ dân phố: có 1.321/1.376 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt tỷ lệ 96%; gần 1.000 sân tập thể thao đơn giản, 12 thư viện huyện, 28 thư viện xã và trên 500 tủ sách nông thôn với gần 500 nghìn đầu sách phục vụ Nhân dân tại khu dân cư.
Các thiết chế văn hóa thể thao ở nông thôn đã được đầu tư xây dựng, có trang thiết bị và phát huy hiệu quả hoạt động. Hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu TDTT phong trào được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động"Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã tạo được sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Với những kết quả đã đạt được, các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thì hệ thống thiết chế văn hóa thể thao của Công đoàn, đoàn Thanh niên cũng đã được các cấp, các ngành chú trọng đầu tư và hoạt động hiệu quả. Các đơn vị quản lý đã tích cực liên kết với các tổ chức, cá nhân, các đoàn nghệ thuật ngoài tỉnh đến biểu diễn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; phối hợp với các ngành, các câu lạc bộ chiêu sinh mở các lớp đào tạo bồi dưỡng về văn nghệ, TDTT như: cầu lông, bóng bàn, võ thuật, khiêu vũ...
Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Việc nỗ lực xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã góp phần quan trọng đối với đời sống, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển ngày càng hiệu quả và chất lượng, tạo sự đa dạng, phong phú của các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, người già, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng điều hành và tổ chức các hoạt động thiết thực, sát với cơ sở, văn hóa cộng đồng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở. Từ đó, đưa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thực sự trở thành địa chỉ văn hóa thân thuộc gắn bó - nơi giao lưu, sáng tạo, rèn luyện cả về thể chế lẫn tinh thần cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu vực dân cư.
Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp những khó khăn, hạn chế, nhất là cơ sở vật chất văn hóa của một số xã, thôn được xây dựng trước đây đang trong tình trạng xuống cấp; các trang thiết bị phục vụ hoạt động hiện đã lạc hậu, không còn đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, vùng sâu vùng xa còn thiếu chặt chẽ, nội dung, phương thức hoạt động còn mang tính sự kiện, chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Một số địa phương sau khi được công nhận cơ bản hoàn thành tiêu chí đã có tư tưởng thỏa mãn, không quan tâm đến việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí; đặc biệt là việc rà soát, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao thực sự đạt chuẩn theo quy định.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Quy hoạch mạng lưới văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Lâm Đồng xây dựng đồng bộ công trình văn hóa, thể thao, ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, thể thao cấp quốc gia; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt. Củng cố, nâng cấp thư viện, bảo tàng, triển lãm văn hóa nghệ thuật; trung tâm văn hóa nghệ thuật,….; hiện đại hoá các công trình TDTT như sân vận động, khu liên hợp thể thao, trung tâm TDTT theo quy hoạch chung của cả nước;
Đồng thời để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng và khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao; triển khai hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại";
Chủ động triển khai các đề án, chiến lược phát triển văn hóa, TDTT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Có chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao; Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư. Tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, TDTT để thu hút người dân tham gia hoạt động.
Tập trung củng cố và nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Quan tâm đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Tích cực kêu gọi, vận động xã hội hóa, thu hút đầu tư trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn tỉnh.