Lâm Đồng: Bồi dưỡng phương pháp số hóa 3D tại di tích Cát Tiên
11/11/2024 | 14:15Tại Di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt Cát Tiên (Lâm Đồng), Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trung tâm Văn hóa Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (ACCU) có trụ sở tại Nara Nhật Bản vừa tổ chức bồi dưỡng phương pháp số hóa 3D cho Di tích.
Tham dự sự kiện có 25 cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng đến từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các Bảo tàng của tỉnh, thành phố phía Nam.
Số hóa di tích được hiểu là quá trình sử dụng công nghệ để tạo ra các bản sao kỹ thuật của các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh... Từ đó các thông tin về hình ảnh, tài liệu và hiện vật, ghi lại chi tiết, chính xác từ cấu trúc, đến hình dáng, tái hiện sống động không gian và được lưu giữ trên không gian số, giúp giữ gìn các dữ liệu, các giá trị di tích trước các tác nhân bên ngoài.
Di tích Cát Tiên khi được khai quật đã phát lộ một cụm các phế tích bằng gạch mộc nằm dưới lòng trải qua thời gian mài mòn nên việc số hóa càng trở nên cấp thiết. Không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa mà còn góp phần quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế, phát huy giá trị di sản, thu hút khách du lịch.
Trong 4 ngày diễn ra, các học viên đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế hướng dẫn nghiên cứu các nội dung lý thuyết và thực hành về phương pháp số hóa 3D trên di tích khảo cổ, các bước thực hiện; quản lý dữ liệu số hóa; phương pháp số hóa 3D trên hiện vật khảo cổ...
Bên cạnh việc được tiếp cận phương pháp mới, nội dung thiết thực, các học viên còn được tận tình chỉ dạy thực hành tại hiện trường di tích và thực hành trên bản sao hiện vật, thực hành chụp ảnh hiện trường, hiện vật, đo đạc không gian, dựng 3D.
Trước thực trạng nhiều di tích, hiện vật khảo cổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rơi vào tình trạng bị mai một, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng, cách thức thực hiện, phương pháp số hóa 3D cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng là rất cần thiết. Từ đó góp phần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, trong đó có di tích trên nền tảng công nghệ số nhằm lưu giữ cho tương lai.