Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Lai Châu: Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh

18/03/2021 | 16:30

Lai Châu là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số đặc biệt ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự... Những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được triển khai thực hiện hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, tạo những chuyển biến tích cực, hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư; góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.

Để triển khai hiệu quả phong trào, cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở. Cấp tỉnh có Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ giai đoạn 2016 - 2020” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì; Đề án Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì... Các huyện, thành phố cũng đều có những đề án cụ thể đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể như: huyện Tam Đường triển khai phong trào gắn với phát triển du lịch; thành phố Lai Châu gắn với xây dựng đô thị văn minh; huyện Than Uyên gắn với xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông; huyện Mường Tè gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, tỷ lệ gia đình, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa luôn là một trong những những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương.

Lai Châu: Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh - Ảnh 1.

Những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Tè) được lưu giữ nhờ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ông Tống Văn Kem – Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Những nội dung trọng điểm của phong trào như: đoàn kết giúp nhau “Xoá đói giảm nghèo”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng bản, khu phố văn hóa, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, xây dựng gương “Người tốt việc tốt và các điển hình tiên tiến”... được BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo hướng lấy xây dựng chất lượng làm nòng cốt để duy trì và phát triển phong trào. Toàn huyện có 111/111 bản, khu phố đăng ký danh hiệu khu dân cư văn hóa; 100% số bản đăng ký thực hiện phong trào phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, đảm bảo an toàn giao thông. Kết quả có 6.965/10.452 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đề nghị công nhận 89 bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, 111 khu dân cư xây dựng và thực hiện quy ước và thành lập đội văn nghệ quần chúng.

Trên địa bàn huyện Mường Tè có nhiều tấm gương điển hình tích cực tham gia thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH như: bà Hù Cố Xuân (xã Can Hồ) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhờ làm tốt công tác lưu giữ nét truyền thống của dân tộc Si La; ông Chu Mụ Chừ (xã Thu Lũm) gương mẫu trong phát triển kinh tế, vận động người dân bảo vệ đường biên, mốc giới...

Là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã xây dựng chuyên mục, thường xuyên đăng tải các tấm gương điển hình, những cách làm hay về Phong trào TDĐKXDĐSVH để giới thiệu cho đồng bào các dân tộc học tập, làm theo. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đa dạng các hình thức tuyên truyền miệng, câu chuyện thông tin, xây dựng hướng dẫn tổ chức hoạt động các nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội văn nghệ ở cơ sở; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn; triển lãm sách báo; các giải đấu thể thao thiết thực, góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực tế đã chứng minh, 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới của Lai Châu đều là những xã triển khai hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH như: Mường Tè (huyện Mường Tè), Ma Li Pho (huyện Phong Thổ), Trung Đồng (huyện Tân Uyên)...

Từ thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng gia đình, bản văn hóa, nhiều bản của đồng bào các dân tộc đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm bản sắc văn hóa thông qua những bộ trang phục truyền thống, cách xe lanh dệt vải; thưởng thức những món ẩm thực truyền thống. Trong số 11 điểm du lịch cộng đồng với 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tiêu biểu ấy không thể không nhắc đến: bản San Thàng (dân tộc Giáy) của xã San Thàng, thành phố Lai Châu; điểm du lịch Đồi thông của người Mông xã Tả Lèng, bản người Dao - Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường); bản người Thái - Vàng Pheo, xã Mường So, bản người Mông - Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ)... Trong giai đoạn 2017 - 2020, tổng lượng khách đến Lai Châu đạt gần 400 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng.

Đến hết năm 2020, tỉnh Lai Châu có 85% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 74% bản, khu phố; 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Đây là kết quả đáng khích lệ của việc triển khai hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua đó, hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. Đồng thời, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, giữ gìn truyền thống các dân tộc, giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo Báo Lai Châu

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×