Lai Châu: Sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III
16/12/2021 | 14:29Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, 2021 sẽ diễn ra từ ngày 24/12 đến 26/12/2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Mông của 12 tỉnh.
Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTTL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Họp báo thông tin về Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải chủ trì họp báo.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021 (sau đây gọi tắt là Ngày hội), với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức.
Ngày hội là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông các tỉnh tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là một sự kiện lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội.
"Các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội được chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, có tính nghệ thuật cao. Chương trình chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại" Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
"Tất cả các địa phương tham gia ngày hội sẽ đóng góp những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cho lễ khai mạc. Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên các đoàn nghệ nhân trình diễn giã bánh giày - nét văn hóa độc đáo gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm, giá trị nhân văn và sự gắn kết trong sinh hoạt cộng đồng của người Mông. Khách tham dự cũng sẽ được tìm hiểu các lễ hội, nghi lễ văn hóa độc đáo của người Mông cả nước"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Đáng chú ý, lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật độc đáo sẽ tái hiện sinh động quá trình hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, có các màn hoạt cảnh mang đậm âm hưởng sử thi đã tái hiện những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa và đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình với Đảng, với Bác Hồ, ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Ông Tống Thanh Hải cũng cho biết, hiện các chương trình tham gia Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, có nhiều cái mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh. Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, nhạc công... là người dân tộc Mông thực hiện; chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông, tổ chức hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Sự kiện góp phần tạo dựng một sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch thật sự bổ ích của cộng đồng dân tộc Mông; đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đời sống xã hội.
Các hoạt động trong Ngày hội cũng được tổ chức đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và áp dụng linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Lễ khai mạc Ngày hội sẽ được truyền hình trực tiếp từ 20h30-22h00 ngày 24/12 trên kênh VTV2 và VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình của các địa phương tham gia./.