Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kỳ vọng du lịch Hà Giang tiếp tục bứt phá trong năm 2024

27/12/2023 | 14:26

Năm 2024, Hà Giang đề ra mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách; tiếp tục khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng tầm vị thế, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế địa phương; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn.

Kỳ vọng du lịch Hà Giang tiếp tục bứt phá trong năm 2024 - Ảnh 1.

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - Dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Thành quả một năm đầy nỗ lực

Năm 2023, du lịch tăng trưởng ấn tượng, lượng khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, tăng 32% so với năm 2022, vượt 20% kế hoạch. Hà Giang được công nhận điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; vinh dự được xếp thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (do Tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn); đứng vị trí thứ 4 trong top 10 điểm Du lịch nổi bật nhất năm 2023; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục giữ vững danh hiệu thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và xuất sắc dành thẻ Xanh tại kỳ tái đánh giá lần thứ III…

Đây là những tín hiệu tích cực, hứa hẹn mở ra kỳ vọng mới cho ngành du lịch Hà Giang trong năm 2024; đồng thời là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón chào Xuân mới Quý Mão 2023 trong niềm tin với quyết tâm mới, thắng lợi mới…

Kỳ vọng du lịch Hà Giang tiếp tục bứt phá trong năm 2024 - Ảnh 2.

Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.

Tiềm năng và thế mạnh

May mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Hà Giang có tiềm năng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên; bản sắc văn hóa; địa chất, địa mạo, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, hoa Tam giác mạch, di sản Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…Bên cạnh đó, Hà Giang còn có nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị như: Cam sành, chè Shan tuyết cổ thụ, Mật ong Bạc Hà, các sản phẩm làm từ hoa Tam giác mạch,… Nền văn hóa ẩm thực của Hà Giang hết sức đa dạng: 4 đặc sản Hà Giang lọt Top 100 món ăn đặc sản và top 100 quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc Hà, Chè Shan Tuyết, Cháo Ấu tẩu và Mèn mén; 3 món ẩm thực tiêu biểu là cá bỗng, cháo ấn tẩu và phở ngô được vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.

Không những thế, Hà Giang còn là mảnh đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng chung sống, như: Mông, tày, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo,…Mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa của Hà Giang.

Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh khuyến khích thúc đẩy phát triển du lịch đi vào cuộc sống; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào địa phương. Cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng với nhiều dịch vụ du lịch hạng sang, như: Khu nghỉ dưỡng PaPiu; Khu nghỉ dưỡng H’mong Vilage; Tổ hợp Shophouse Hà Giang, Khách sạn Yên BiênLuxury, Khách sạn Phoenix Hotel Hà Giang…thu hút du khách, đã và đang mang đến nguồn thu lớn cho tỉnh…

Những tiềm năng, thế mạnh đó sẽ tạo động lực để du lịch Hà Giang tiếp tục phát triển, vươn lên bứt phá và khẳng định vị thế trên bản đồ Việt Nam cùng như khu vực và quốc tế.

Kỳ vọng bứt phá, đổi mới

Là tỉnh miền núi biên giới, dự báo năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cần sự chung tay, chia sẻ, đồng hành của các cấp, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, những người làm du lịch trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; hình thành ứng xử văn minh, thân thiện; đẩy mạnh phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; bảo vệ hình ảnh, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang.

Tăng cường công tác quản lý điểm đến, tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch; điều tra xã hội học về thông tin khách du lịch; tiếp tục khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới; kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số để cập nhật cơ sở dữ liệu về du lịch.

Tiếp tục tăng cường các giải pháp trùng tu, tôn tạo các công trình, di sản văn hóa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình bảo tồn khôi phục văn hóa truyền thống phục vụ du lịch. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy hoạch, đề án, trong đó chú trọng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong phát triển du lịch trên địa bàn; các kế hoạch về triển khai, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch.

Quan tâm bồi dưỡng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác 6 tỉnh và 8 tỉnh Tây bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “Hà Giang Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.

Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức khảo sát tư vấn cho các làng văn hóa về phát triển làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tập trung phát triển 3 vùng không gian du lịch: Khu vực vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Vùng Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Vùng trung tâm, đồi núi thấp; cùng với đó là 5 dòng sản phẩm thế mạnh gồm: Du lịch cộng đồng, Du lịch văn hóa, Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Du lịch thể thao, mạo hiểm, Du lịch thương mại, biên giới…

Tin tưởng và kỳ vọng, với sự chủ động, nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên - Hà Giang sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vững bước trong hành trình đưa “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh Hà Giang phát triển nhanh, bền vững và trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh vào năm 2025.

Theo Cổng TTĐT Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×