KTS Việt kiều Nguyễn Nga với Dự án bảo tồn cầu Long Biên
08/02/2019 | 00:18KTS Nguyễn Nga đã từ Pháp trở về để triển khai dự án bảo tồn cầu Long Biên với niềm vui được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính Phủ và giới KTS trong nước.
Những người yêu Hà Nội không thể nào quên những năm tháng chiến tranh, cây cầu Long Biên là một chứng tích lịch sử gắn với bao câu chuyện xúc động. Đó là hình ảnh đoàn quân lặng lẽ rút qua gầm cầu hẹn ngày về giải phóng thủ đô. Đó cũng là hình ảnh mấy nhịp cầu bị gẫy sau trận chiến trên không khiến cây cầu thơ mộng mang thêm một nỗi đau chiến tranh, càng gợi nên nỗi nhớ trong thẳm sâu tâm hồn người Hà Nội. Cây cầu Long Biên cũng gắn với suốt tuổi thơ và tuổi học sinh, sinh viên của không ít người Hà Nội bởi vẻ nên thơ của kiến trúc Pháp độc đáo. Cây cầu đã tồn tại hơn 100 năm có lẻ, với biết bao câu chuyện huyền thoại …Và hơn bao giờ hết, dù qua khói bom, cây cầu vẫn mang vẻ đẹp nên thơ qua bàn tay nhà kiến trúc sư nổi tiếng Doumer mà người Việt Nam và thế giới đều yêu thích.
Cầu Long Biên.
Cây cầu này đầu tiên được đặt tên chính thức là cầu Doumer. Doumer lấy từ tên Paul Doumer, vị toàn quyền Đông Dương người Pháp lúc bấy giờ, người đã có công đầu trong việc vận động và quyết định xây cầu, trong lễ khánh thành, theo thói lịch sự xã giao của người Pháp, vị toàn quyền có hỏi một quan chức đại diện của triều đình phong kiến Hà Nội lúc bấy giờ bằng tiếng Pháp đại ý rằng: “Các ngài muốn đặt tên cây cầu là gì ?”. Do không thành thạo tiếng Pháp, phần do tính sĩ diện và nhanh nhẩu đoảng cố hữu của những người làm quan chức nhỏ Việt Nam từ xưa tới nay mà vị quan tưởng rằng vị toàn quyền Pháp hỏi ông ta “Ngài thấy cây cầu thế nào?” mà vị quan chức đã trả lời bừa bằng 1 câu tiếng Pháp bồi rằng “loong bien” ( loong biêng) với ý nói là “rất dài”, nhưng người Pháp tưởng rằng đó là mong muốn về tên cây cầu của phía nhà cầm quyền Việt Nam nên đã lưu lại và đặt tên cầu là “Long Biên” song song với tên gọi kiểu Pháp là cầu Doumer.
KTS- TS Nguyễn Nga rất tâm huyết với Dự án bảo tồn cầu Long Biên. Ảnh: KT |
Một điều không thể phủ nhận là cây cầu huyền thoại này đã tồn tại và gắn bó biết bao kỷ niệm của người Hà Nội và cũng không thể phủ nhận công sáng tạo ban đầu của người Pháp. Sự kết dính tình yêu di sản kiến trúc văn hóa độc đáo này đã khiến một kiến trúc sư người Pháp gốc Việt đã nặng lòng với việc bảo tồn cây cầu Long Biên suốt chục năm qua. Đó là kiến trúc sư Nguyễn Nga, người muốn biến cây cầu thành một bảo tàng trên không hòa hợp với tổng thể các khu trưng bày sản phẩm du lịch các làng nghề truyền thống ở hai phía đầu cầu. Ý tưởng này đã được những người yêu Hà Nội, giới họa sĩ, kiến trúc rất ủng hộ, đánh giá cao tính khả thi của Dự án.
Theo ý tưởng của KTS Nguyễn Nga, sẽ có hai tầng trên cầu Long Biên, một tầng dành cho người đi bộ và một tầng khác trưng bày những di sản sống của Hà Nội kết hợp với cảnh quan của khu bãi giữa và dòng sông Hồng thành một thắng cảnh của Hà Nội.
Không chỉ ủng hộ về ý tưởng, nhiều KTS trong nước đã bắt tay cùng KTS Nguyễn Nga để biến ý tưởng này thành hiện thực. KTS Lê Chương, Tổng Giám đốc của Trung tâm Associatees cho rằng: “Dự án này đã được thực hiện bắt đầu từ 10 năm nay. Chị cũng đã tư duy, đã suy nghĩ và đã bằng mọi cách tiếp cận với cả Chính phủ , với tất cả các tổ chức để làm sao thực hiện được dự án. Gần đây Thủ tướng cũng đã động viên, gợi ý để dự án có thể tiếp tục được nghiên cứu và trước mắt có thể có một triển lãm ở Venisce trong thời gian tới”
Cùng trong giới kiến trúc, KTS Lê Chương biết rõ rằng, anh cùng các đồng nghiệp trước mắt có thể giúp gì cho dự án:“ Tất nhiên trong dự án này, hình thức của cây cầu cơ bản được giữ nguyên. Kết cấu của cây cầu cho đến giờ phút này đã xuống cấp cho nên nó cần phải được gia cố, nhưng gia cố vẫn giữ đúng diện mạo của nó. Trong đó không gian được trở thành không gian của bảo tàng hòa hợp với không gian tuyến đi bộ của Hà Nội kết nối từ Nhà hát lớn dọc tuyến đường và kết nối với cây cầu Long Biên”.
Được sự ủng hộ của giới KTS trong nước và cả những bạn trẻ yêu cầu Long Biên, Dự án bảo tồn cầu Long Biên gần đây đã được Thủ tướng Chính Phủ quan tâm và chỉ đạo cho Thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho KTS Nguyễn Nga thực hiện dự án.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhận, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước đánh giá: “Có thể nói, đây là sự suy nghĩ rất chín. Chị ấy đã suy nghĩ rất nhiều về cây cầu này, mong muốn phải bảo vệ, giữ gìn và nâng cao cây cầu vì không chỉ ý nghĩa với Hà Nội mà cả đất nước, không chỉ ý nghĩa trong nước mà cả quốc tế. Nó cũng là nơi hấp dẫn với bà con ta ở ngoài, nhất là các nước phương Tây, người ta rất gần gũi với cây cầu Long Biên và người ta muốn trở về đây. Cũng vì thế mà nhiều lần chị Nga viết thư về dự án và tôi đã chuyển cho văn phòng Chính Phủ…”
Về phương thức thực hiện dự án, đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng đã lĩnh hội tinh thần mà Thủ tướng chính Phủ chỉ đạo: “ Thủ tướng có nhắc lại cái Nhà hát lớn, nhờ có phương thức xã hội hóa mà bảo tồn, tôn tạo được như hiện nay, thì bây giờ ta áp dụng phương pháp này để làm sao khuyến khích các nhà tài trợ giúp được chúng ta”
Có lẽ, chuyện bảo tồn cây cầu đang đi đến hồi kết bởi sự đồng lòng, đồng sức từ nhiều phía. Hơn bất cứ bao giờ, KTS Nguyễn Nga bày tỏ niềm tin tưởng: “Tôi rất vui mừng và tôi nghĩ, đây là cách làm chính đáng mà Thủ tướng rất sáng suốt , rất hoan nghênh và ông cũng cho một Chỉ thị là làm rất nhanh…”
Hy vọng về một ngày không xa, dự án bảo tồn cây cầu Long Biên như một bảo tàng trên không trung gắn với những phố nghề truyền thống và phố cổ sẽ là một khu di tích gắn với du lịch vô cùng độc đáo, đón bạn bè muôn phương tới đất Thăng Long - Hà Nội./.