Kon Tum: Xác định vai trò Di tích lịch sử căn cứ Huyện uỷ H29
10/06/2019 | 16:47Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội thảo khoa học thông qua hồ sơ di tích lịch sử căn cứ Huyện uỷ H29.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Kon Tum
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về sự ra đời, hình thành và phát triển của khu căn cứ Huyện uỷ H29; các mốc thời gian, tên địa danh, các sự kiện mang tính lịch sử quyết định sự thắng lợi của Đảng bộ H29 tại địa bàn xã Ngọc Tem trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; các địa điểm, vị trí di tích và diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích; các phương án, giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử căn cứ Huyện uỷ H29 sau khi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh...
Căn cứ Huyện ủy H29 trước đây đứng chân tại xã Nước Lò (nay là xã Ngọc Tem), huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, gồm 2 giai đoạn và đứng chân tại 2 vị trí khác nhau. Giai đoạn (1960 – 1972), căn cứ Huyện ủy H29 nằm trên núi Ngọc Bók thuộc xã Nước Lò (nay thuộc xã Ngọc Tem). Giai đoạn (1972 – 1975), căn cứ Huyện ủy H29 nằm bên đường Đông Trường Sơn. Hiện nay thuộc thôn Điek Lò I, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Kon Plông có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh; đặc biệt, Ban cán sự Đảng bộ tỉnh và Ban cán sự huyện Kon Plông đã xây dựng khu căn cứ này để lãnh đạo quân và dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Địa bàn H29 còn là kho dự trữ lương thực của Khu V và tỉnh Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong quá trình hoạt động và đứng chân tại đây, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo tổ chức nhiều kỳ đại hội đảng và các hội nghị quan trọng bàn về công tác đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng căn cứ địa, hoàn thành nhiệm vụ của hậu cứ, góp phần giữ vững vùng căn cứ cách mạng.
Đặc biệt, tại đây, Đảng bộ H29 đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong đó, nhân dân các dân tộc trong vùng căn cứ xã Đăk Rơ Manh, xã Hiếu, xã Nước Lò, xã Đăk Ring... đã tham gia tích cực mọi hoạt động chống quân thù. Đáng chú ý, du kích và đội công tác xã Đăk Rơ Manh đánh thiệt hại nặng 1 trung đội địch ở Măng Búk; nhân dân xã Hiếu đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia dân công hoả tuyến, gùi gạo, đạn dược và các các vũ khí…
Từ việc xác định những giá trị lịch sử và quan điểm "uống nước nhớ nguồn", đồng thời làm rõ vai trò, vị trí và ý nghĩa giá trị lịch sử của Căn cứ Huyện ủy H29 tại xã Ngọc Tem, huyện Kon PLông và làm cơ sở cho Sở VHTTDL tỉnh hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di lịch lịch sử cấp tỉnh.