Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kon Tum: Khảo sát hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh

17/06/2022 | 14:38

Kon Tum hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 7 thư viện huyện và hơn 50 thư viện cấp xã. Số lượng nhiều, nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện nơi đây khiến nhiều người băn khoăn…

 Kon Tum: Khảo sát hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Cả quý I năm 2022, Thư viện huyện Đắk Hà chỉ phát sinh thêm 15 thẻ bạn đọc mới.

Năm 2017, thư viện xã Ngọk Wang, huyện Đắk Hà (Kon Tum) từng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL vì những hoạt động tích cực, thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương. Đã có thời điểm, thư viện xã là điểm đến ưa thích của người dân, đặc biệt là các em học sinh. Mỗi năm thư viện đón khoảng trên 1.300 lượt bạn đọc. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí cũng như nguồn sách bổ sung hạn chế nên nơi này dần thưa vắng người tới đọc sách.

Vẫn còn nhiều bất cập

Tại huyện Tu Mơ Rông, sau gần 20 năm thành lập, cơ sở hạ tầng của địa phương dần được đầu tư, xây dựng khang trang, nhưng dự án xây dựng thư viện huyện thì mãi vẫn... nằm trên giấy. Hiện cả huyện chỉ có một phòng thư viện rộng chưa đầy 20m2 tại Trung tâm VHTTDL và Truyền thông. Tuy nhiên, căn phòng này đã xuống cấp nghiêm trọng, cửa sổ, cửa chính đều phải gia cố.

Anh Nguyễn Hữu Nam, cán bộ của Trung tâm cho biết, vì không có chỗ để nên phần lớn sách được cấp về vẫn nằm trong thùng giấy hoặc gửi tạm ở các kho của huyện. Và hẳn nhiên, việc bảo quản số sách này gần như không được quan tâm. "Do điều kiện cơ sở vật chất không có nên mỗi khi nhận sách về, chúng tôi phải phân tán ra nhiều nơi chứ không tập trung một chỗ được. Mặt khác, vào mùa mưa độ ẩm cao cũng ảnh hưởng đến sách của thư viện", anh Nam phân trần.

Khác với huyện Tu Mơ Rông, Thư viện huyện Sa Thầy được đầu tư xây dựng khang trang, có cán bộ phụ trách, có bạn đọc nhưng lại... thiếu sách. Toàn bộ thư viện hiện chỉ có hơn 7.000 đầu sách, trong đó số sách dành cho thiếu nhi, học sinh hầu hết đều rất cũ nát. Thêm vào đó, hệ thống máy tính được đầu tư cho thư viện cách đây hơn 10 năm cũng đã xuống cấp, hỏng hóc, không thể đưa vào sử dụng. Cả thư viện chỉ có duy nhất 1 chiếc máy tính còn "sống", việc phục vụ bạn đọc truy cập Internet rất hạn chế. Bà Trần Thị Ngọc Vân, cán bộ Thư viện huyện Sa Thầy kiến nghị: "Muốn phát triển bền vững phải kết nối, đầu tư máy móc để theo kịp công nghệ 4.0, chuyển đổi số của ngành thư viện để phục vụ bạn đọc, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn".

Ngược lại, tại huyện Đắk Hà, thư viện huyện được đầu tư xây dựng khang trang, có cán bộ thư viện, có đầu sách nhưng lại… không có bạn đọc. Theo thống kê của Trung tâm VHTTDL và Truyền thông huyện Đắk Hà, trong quý I năm 2022, thư viện này mới chỉ làm mới được 15 thẻ bạn đọc. Chị Đinh Thị Thu Trà, cán bộ Trung tâm cho hay: "Thư viện xa khu dân cư nên việc các em đến mượn sách cũng là một vấn đề. Khó khăn thứ 2 là hệ thống máy tính, Internet được cấp từ năm 2013, sử dụng đã lâu không được nâng cấp; thêm nữa, cán bộ thư viện huyện thì chỉ có 1 người, vừa luân chuyển sách, vừa kiểm tra thư viện xã, vừa phục vụ tại thư viện huyện…".

 Kon Tum: Khảo sát hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh - Ảnh 2.

Thư viện xã Ngọk Wang, huyện Đắk Hà (Kon Tum) vắng bóng bạn đọc.

Thư viện cấp huyện đã khó, thư viện tỉnh Kon Tum cũng không khá hơn là bao. Theo thống kê, thư viện tỉnh Kon Tum hiện có 174.700 cuốn sách. Từ năm 2019 đến quý I năm 2022, đơn vị phục vụ được gần 178.000 lượt bạn đọc. Khối lượng công việc lớn nhưng đơn vị hiện chỉ có 8 cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thiếu, cơ sở vật chất đã cũ nên công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu để hình thành bộ sưu tập tài liệu số vẫn khó có thể thực hiện được. Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết: "Hiện tại thư viện tỉnh chỉ mới đáp ứng tương đối nhu cầu của bạn đọc do còn nhiều hạn chế, khó khăn như chỉ có 8 viên chức để triển khai rất nhiều nhiệm vụ của thư viện tỉnh, trụ sở hiện chưa có không gian để thu hút bạn đọc đến đọc sách, hệ thống điện chưa đảm bảo, kho sách cũng bị quá tải…".

Loay hoay tìm cách tháo gỡ

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum thông tin, để có cái nhìn toàn diện, qua đó đánh giá lại hiện trạng về thư viện công cộng trên địa bàn toàn tỉnh, ngành VHTTDL đã tiến hành khảo sát các huyện, thành phố.

Theo đó, hiện nay đối với một số thư viện cấp huyện như Thư viện huyện Sa Thầy mới được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2019, cơ bản đã đảm bảo được các phòng đọc, trang thiết bị máy móc. Còn lại các thư viện công cộng từ cấp huyện cho đến cấp xã, các cơ sở vật chất gần như đều xuống cấp. Các kênh nguồn tư liệu, sách báo các loại để phục vụ bạn đọc cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc mở cửa phục vụ thư viện cũng không thường xuyên.

"Vừa qua, chúng tôi mới đi khảo sát, đánh giá thì thấy tại xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) có mô hình rất hay, đó là thư viện xã đưa số sách này xuống tận các thôn làng và cứ hằng quý luân chuyển số sách đó đến các thôn làng khác, giao cho thôn trưởng quản lý. Tôi nghĩ đó là mô hình nên nhân rộng ra để người dân được tiếp cận với các nguồn thông tin sách, báo, tài liệu. Hiện chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch để triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc" cũng như là suốt đời học tập trong thư viện - bảo tàng. Trong giai đoạn tới sẽ phối hợp với các ngành để đề xuất UBND tỉnh, Bộ VHTTDL quan tâm hơn nữa để đầu tư cho việc phát triển văn hóa đọc ở địa phương từ tỉnh cho đến cấp huyện, xã… Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hoạt động, hội thi, ngày sách để tạo thói quen đọc sách cho người dân", Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Phan Văn Hoàng thông tin. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×