Kon Tum: Gìn giữ vẻ đẹp đại ngàn để phát triển du lịch Kon Plông
25/08/2023 | 14:36Tỉnh Kon Tum có trên 609.600ha rừng, trong đó hơn 547.700ha là rừng tự nhiên với độ che phủ trên 63% diện tích của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum còn tập trung bảo vệ, giữ gìn, khai thác vẻ đẹp riêng có với hệ động, thực vật phong phú của núi rừng tạo thành sản phẩm du lịch.
Anh A Hiền, người suốt 4 năm qua dẫn dắt người dân vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, tạo dựng cảnh quan quyết tâm thay đổi công việc, cuộc sống của dân làng cho biết: “Vùng mình trồng cà phê không lên tốt, trồng các loại cây hoa màu cũng không lên tốt. Mình tính toán ngày công mỗi năm làm không đủ, nên làng mình chỉ có làm du lịch cộng đồng là lợi nhất”.
Để trở thành điểm đến của du khách gần xa, người dân Vi Rơ Ngheo đã sử dụng những vật liệu sẵn có, như gỗ tận dụng, đá dưới suối kết hợp với trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, không gian xanh trong làng. Phát huy thế mạnh sẵn có từ rừng, dân làng sưu tầm, nhân giống trồng được trên 1.000 chậu địa lan và phong lan; tổ chức khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Cùng với đó dân làng cũng chuẩn bị nhiều sản phẩm như cồng chiêng - xoang và các món ăn của người Xơ Đăng phục vụ khách du lịch.
Già A Vinh, 1 trong 5 gia đình trong làng có đủ điều kiện đón khách du lịch lưu trú qua đêm cho biết: “Để làm nhà này đón khách du lịch ngủ qua đêm, già đã chuẩn bị gỗ trong 4 năm. Cách đây 2 năm già bán 4 con trâu để làm mới xong cái nhà này. Không những trả tiền công cho thợ còn có cả công sức của bà con dân làng giúp đỡ nữa mới xong. Mấy cái nhà mát mẻ như thế này, khách du lịch ai cũng rất thích”.
Là một trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tự nhiên được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để từ đó cùng với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có của người Xơ Đăng, Hrê vốn chiếm tới trên 80% dân số hình thành nên các sản phẩm du lịch. Hiện tại cùng với bảo vệ trên 100.000ha rừng với hầu hết là rừng nguyên sinh, huyện Kon Plông còn tích cực trồng rừng và trồng cây phân tán làm phong phú thêm hệ sinh thái rừng.
Chị Đỗ Nguyễn Cát Tiên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen chia sẻ: “Khi về với Măng Đen, được sống giữa thiên nhiên như vậy thì tôi lúc nào cũng cảm thấy được thanh thản và nhẹ nhàng, giống như một đứa trẻ con mà được mẹ ôm, bao bọc. Cho nên tôi nghĩ việc gìn giữ và tiếp tục trồng rừng là một điều rất cần thiết. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Măng Đen rất nhiều món quà, chúng ta cần phải gìn giữ và bảo vệ, bởi vì không có rừng sẽ không bao giờ có Măng Đen”.
Ông Đặng Đình Toán - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết chính quyền và ngành chức năng của huyện đang thực hiện những giải pháp cụ thể giữ gìn vẻ đẹp của đại ngàn và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa rừng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để phát triển du lịch: “Riêng về các nét văn hóa truyền thống của bà con bản địa thì phải bảo tồn, đặc biệt là không gian sinh sống của bà con. Phải bảo tồn trước hết là các hoạt động về không gian văn hóa cồng chiêng, hoạt động về lễ nghi truyền thống của bà con, như lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới… Tất cả những hoạt động như vậy, chúng tôi định hướng cho bà con bảo tồn và giữ gìn phát huy để lại ấn tượng với du khách”.
Đến nay dù chưa phát huy, hình thành được tối đa các sản phẩm du lịch từ vẻ đẹp của đại ngàn, từ văn hóa rừng song Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nói chung đã là một điểm đến của khách du lịch trong hành trình khám phá trải nghiệm thiên nhiên. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp, kỳ vỹ của thác, hồ: Pa Sỹ, Đăk Ke, Lô Ba, Toong Đam, Toong Zơri… cộng với khí hậu mát mẻ quanh năm là một "đặc sản" độc đáo của Kon Plông.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có gần 700.000 lượt du khách đến với Kon Plông, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2022. Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện Kon Plông đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 83% diện tích tự nhiên của huyện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, với những đặc sản du lịch từ rừng, văn hóa rừng của địa phương, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với giá trị bền vững mang tên vẻ đẹp đại ngàn đã và đang tiếp tục tạo ra sức hút mạnh mẽ với du khách.