Kon Tum ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng
11/05/2020 | 17:47Ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng; Kết quả ghi nhận trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành VHTTDL giai đoạn 2016 - 2020; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư là những điểm tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Kon Tum ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng
UBND tỉnh Kon Tum vừa có Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 11/05/2020 Ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh.
Quy chế gồm 5 Chương, 17 Điều quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (bao gồm di tích đã được xếp hạng và di tích thuộc danh mục kiểm kê) thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Quy chế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam, tổ chức, cá nhân người nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo Quy chế, Di tích, di tích thuộc danh mục kiểm kê có một trong các tiêu chí được quy định trong Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa và thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh phải được kiểm kê, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Về xếp hạng di tích, quy chế nêu rõ, việc lập hồ sơ xếp hạng di tích thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 98/2010/NĐ-CP); Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL).
Về quản lý hiện vật thuộc di tích, định kỳ hàng năm, các đơn vị quản lý di tích cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo kiểm kê hiện vật thuộc di tích đã được xếp hạng và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10/11. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích không tự ý di dời, tu sửa, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật là yếu tố gốc cấu thành di tích hoặc tiếp nhận, đưa thêm hiện vật vào di tích và khuôn viên di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.
Về quản lý hoạt động phát huy giá trị di tích, quy chế quy định rõ, lễ hội tổ chức tại di tích phải tuân thủ quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nơi có di tích. Hoạt động tại di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Tập thể, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi làm xâm hại đến di tích, di vật; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường di tích xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích…
Cùng với đó, quy chế cũng quy định rõ các nội dung về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Quản lý và phân công quản lý di tích; Trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Kết quả ghi nhận trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành VHTTDL giai đoạn 2016 - 2020
Theo báo cáo của Sở VHTTDL Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020, ngành VHTTDL tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt chương trình kế hoạch đề ra và một số nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hoạt động VHTTDL đã được tổ chức kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn hóa của nhân dân. Đặc biệt là tham mưu triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Dự án liên quan đến ngành.
Công tác văn hóa và gia đình đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa quần chúng và văn hóa dân tộc được chú trọng đổi mới nội dung, tổ chức hoạt động; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm đầu tư, quản lý. Công tác gia đình ngày càng được quan tâm; các mô hình, giải pháp can thiệp phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh được duy trì và nhân rộng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của nhân dân. Thể thao thành tích cao của tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt, từng bước khẳng định vị thế trên toàn quốc.
Ngành du lịch có bước phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; sản phẩm dịch vụ du lịch phong phú và đa dạng; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đạt hiệu quả.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội"
Báo cáo của Sở VHTTDL Gia Lai cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội"; được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương nên trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 46) của ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã đáp ứng được những yêu cầu, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được chỉ đạo điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người.
Công tác tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW được tiến hành sâu rộng, bằng nhiều hình thức (Cổ động trực quan; tuyên truyền lưu động; hoạt động văn hoá, văn nghệ...) đã góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội; đưa chỉ thị đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp văn hoá ở địa phương.
Đặc biệt, công tác xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá - một giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Các phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Phong trào xây dựng "thôn, buôn, khu phố văn hóa"; "Xã, phường, thị trấn văn minh đô thị", Phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào học tập, lao động sáng tạo, phong trào xây dựng "Người tốt việc tốt" các điển hình tiên tiến... có sự phát triển một cách sâu rộng...