Kiến tạo phát triển du lịch nam Quảng Nam
14/01/2022 | 15:05Lâu nay, du lịch của các địa phương phía nam bao gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh còn sơ khai. Số liệu thống kê (năm 2019) chỉ rõ: tỷ trọng khách du lịch của 3 địa phương trên chỉ bằng 6% toàn tỉnh. Mới có 6 doanh nghiệp lữ hành quy mô vừa và nhỏ.
Vùng phía nam Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, thuận lợi về giao thông. Tuy nhiên nhiều năm qua du lịch khu vực này vẫn chưa khởi sắc. Để kiến tạo giải pháp phát triển du lịch phía nam, có thể triển khai một số giải pháp phát triển cụ thể.
Tháo "nút thắt" giao thông
Cần đẩy nhanh thực hiện quy hoạch nâng cấp sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế công suất 20 triệu khách/năm đến năm 2030. Quảng Nam nên thúc đẩy kế hoạch này nhanh hơn nữa trong bối cảnh hậu Covid-19. Trước mắt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xin phép đón các chuyến bay quốc tế trong các dịp cao điểm khách quốc tế vào miền Trung, khi sân bay Đà Nẵng hết công suất.
Xây dựng ga đường sắt tại Tam Kỳ. Hiện tại Ga Tam Kỳ là ga hàng hóa. Quảng Nam cần đề xuất hợp tác phát triển chiến lược với ngành đường sắt để thiết lập ga trạm dừng du lịch chính trên trục đường sắt.
Nếu có ga đến Tam Kỳ sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch đi đường tàu từ hai đầu bắc và nam. Hiện tại cần đàm phán với Tổng Công ty Đường Sắt để xin cơ chế cho các doanh nghiệp có thể đầu tư toa tàu du lịch kết nối các điểm du lịch miền Trung, như tàu Vietage cao cấp của Tập đoàn khách sạn Anatara, chạy tuyến Đà Nẵng – Quy Nhơn đang hoạt động rất ấn tượng.
Xây dựng đường tàu biển du lịch vào Chu Lai, Kỳ Hà. Quảng Nam có lợi thế cơ sở hạ tầng để phát triển tàu biển du lịch và tàu hàng hóa từ cảng Chu Lai và cảng Kỳ Hà.
Trong năm 2020, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Công ty du lịch Tân Hồng (công ty đưa khách tàu biển châu Âu, Mỹ lớn nhất vào Đông Dương) đã đi khảo sát, làm việc với Thaco Trường Hải và ghi nhận cảng Chu Lai có thể đảm bảo tàu du lịch quốc tế với chiều dài 172m cập cảng thuận lợi. Việc còn lại là Quảng Nam xin phép Thủ tướng Chính phủ thông tuyến và các dịch vụ an ninh, hải quan liên quan.
Đường biên giới kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Đắc Ốc, Sê Kong (Lào) sẽ thuận lợi thu hút các đoàn khách du lịch caravan xuyên suốt các nước châu Á và Đông Dương. Lượng khách này hằng năm phát triển mạnh đều từ thị trường Thái Lan, Camphuchia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc. Nguồn khách từ loại hình này sẽ góp phần gia tăng khách du lịch tại địa phương.
Hình thành các tour du lịch chuyên đề
Chuyên đề du lịch MICE: Tam Kỳ là trung tâm tỉnh lỵ, đang phấn đấu thành đô thị loại 1. Đây là điều kiện nền tảng để phát triển du lịch công vụ, sự kiện, hội nghị hội thảo. Để khai thác nguồn khách này, Quảng Nam nên yêu cầu các sở, ngành mỗi năm phải đăng cai một sự kiện lớn, quy mô quốc gia hoặc khu vực tại Tam Kỳ.
Như vậy chỉ cần mỗi năm có 12 sự kiện toàn quốc, thì sẽ góp phần thu hút khách MICE đến địa phương. Tạo súc hút kéo theo các sự kiện, hội nghị, hội thảo khác, tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư khách sạn cao cấp, phục vụ khách công vụ.
Chuyên đề du lịch vườn hoa: Tam Kỳ đã nhiều năm tổ chức lễ hội hoa sưa, ban đầu tạo dựng được du lịch chuyên đề về hoa sưa. Vị trí tại sông Đầm có thể phát triển hoa sen và hoa súng trở thành điểm du lịch đặc sắc.
Có thể học tập mô hình của Udon Thani, đông bắc Thái Lan. Vị trí thứ ba có thể là thung lũng hoa giấy. Thổ nhưỡng tại Quảng Nam rất phù hợp với phát triển hoa giấy nở vào mùa hè, khi trời càng nắng nóng, thì loài hoa này càng nở rực rỡ.
Tam Kỳ nên quy hoạch 1 thung lũng hoặc khu vực rộng lớn để trồng hoa giấy nhiều màu sắc, sau 1 năm sẽ hình thành điểm du lịch check in mới cho du khách. Thiết lập các vườn hoa sưa – hoa sen – hoa giấy sẽ nhanh chóng định vị cho Tam Kỳ một vùng du lịch vườn hoa thú vị trong tương lai.
Chuyên đề tour du lịch tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Tam Kỳ đã đầu tư tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng để kỳ vọng trở thành điểm đến tại Việt Nam. Tour du lịch tham quan tượng đài này cần phát triển kết hợp tham quan nhà mẹ Thứ hoặc nhà mẹ Việt Nam anh hùng một cách liên tục thuận lợi, tạo ra một tour về nguồn rất ý nghĩa.
Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hiệu quả, thiết thực để có thể đặt hàng trực tiếp cho các công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam ưu tiên quảng bá, bán tour này khi các đoàn khách du lịch đến miền Trung.
Chuyên đề tour chạy Marathon thể thao du lịch: Xu hướng du lịch thể thao marathon ngày phát triển, sau đại dịch xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ. Phú Ninh – Núi Thành – Tam Kỳ là tuyến thuận lợi cung đường, thiên nhiên, cảnh quan đẹp để khuyến khích phát triển loại hình du lịch thể thao này.
Chuyên đề du thuyền lưu trú trên sông: Nam Quảng Nam có những dòng sông lãng mạn như Trường Giang, Tam Kỳ. Mô hình du lịch ngủ thuyền trên sông chưa nơi nào có. Đây là cơ hội mới, cần xây dựng cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Chính quyền các địa phương cần đầu tư, quy hoạch các bến đỗ, quy chế hoạt động loại hình du lịch này. Xây dựng, phục dựng các làng nghề dọc hai bên sông, xây dựng các câu chuyện du lịch làng quê, làng nghề, nông nghiệp vào phát triển loại hình lưu trú du thuyền trên sông.
Chuyên đề du lịch xanh: Bối cảnh sau Covid-19, rất nhiều địa phương dịch chuyển định vị điểm đến. Quảng Nam định vị du lịch xanh, cụ thể bằng Kế hoạch 5177 của UBND tỉnh về xây dựng và phát triển chiến lược xanh trong thời gian đến. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Nam đi tắt đón đầu xu hướng du lịch xanh của thế giới, du lịch bền vững và có trách nhiệm với điểm đến.
Tạo ra sự khác biệt lớn với các địa phương lân cận, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tham gia vào xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch xanh, tạo giá trị gia tăng cho kinh tế du lịch.
Tôi cũng đánh giá cao khối doanh nghiệp tại Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch xanh cụ thể, tạo trải nghiệm du lịch mới thú vị, tạo giá trị lớn, bán giá thành cao. Du lịch xanh cần được nhân rộng và phát triển các địa phương phía nam, tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững.
Chiến lược đón 12 triệu lượt khách của ngành du lịch Quảng Nam đến năm 2025 là một thách thức lớn trong bối cảnh hậu Covid-19. Vì vậy, kế hoạch hành động cần phải quyết liệt hơn nữa thì mới đảm bảo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo nền tảng cho định hướng giai đoạn 2030.
Nguồn lực luôn hữu hạn và thời gian là "vàng bạc". Các địa phương phía nam Quảng Nam nên tranh thủ các lợi thế của địa phương, đột phá phát triển trên cơ hội mới thời du lịch hậu Covid-19.
Kỳ vọng trong 5 đến 10 năm đến, nếu tỉnh Quảng Nam thông suốt được các đầu ngõ giao thông ra vào khu vực này theo 4 tuyến đường hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ biên giới, cộng hưởng với du lịch nội địa, chắc chắn khu vực này sẽ trỗi dậy với sức bật mới, tạo đột phát cho du lịch Quảng Nam trong thời gian đến.