Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiến nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý

12/05/2025 | 13:39

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ dữ liệu liên quan đến hoạt động quảng cáo phát sinh tại Việt Nam, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật. Các nội dung chỉnh sửa, bổ sung đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tổng hợp giải trình, tiếp thu đầy đủ và hợp lý các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Góp thêm ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, tại khoản 1 sửa đổi, bổ sung Điều 4 nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo đã đề cập khá đầy đủ. Tuy nhiên cần nghiên cứu, cân nhắc bổ sung việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng như một nội dung riêng biệt để nhấn mạnh tính cấp thiết.

Theo đại biểu, môi trường mạng như là internet, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới đang trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, thay thế dần các phương thức truyền thống nhưng lại dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, như thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, các dịch vụ cờ bạc, cá độ trá hình.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung một điểm sau điểm g là kiểm soát, giám sát và xử lý nội dung quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, nền tảng số xuyên biên giới. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ này tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết để làm rõ trách nhiệm và tránh chồng chéo với các bộ ngành khác như Bộ Y tế hay Bộ Công Thương.

Kiến nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý - Ảnh 1.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Thứ hai, về Điều 15a quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tại khoản 3 quy định về người có ảnh hưởng khi truyền tải sản phẩm quảng cáo. Đây là nội dung bổ sung rất kịp thời, phản ánh đúng thực tế phát triển mạnh mẽ của quảng cáo qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, tại điểm a yêu cầu người có ảnh hưởng khi truyền tải sản phẩm quảng cáo phải có nghĩa vụ xác minh độ tin cậy của người quảng cáo, điều này dễ gây lúng túng trong thực tiễn. Người ảnh hưởng làm thế nào để xác minh độ tin cậy khi mọi thông tin đều do người quảng cáo cung cấp và độ tin cậy ở đây được hiểu như thế nào là tính hợp pháp hay tính an toàn của sản phẩm.

Theo đại biểu, cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước để người chuyển tải có thể thực hiện nghĩa vụ một cách khả thi. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một điểm là giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình xác minh độ tin cậy và cung cấp đầu mối hỗ trợ trực tuyến. Trong trường hợp người chuyển tải không có điều kiện xác minh, có thể gửi văn bản đề nghị hỗ trợ xác minh đến cơ quan quản lý nhà nước và được phản hồi trong thời gian nhất định. Quy định rõ ràng người chuyển tải phải chịu trách nhiệm nếu đã bỏ qua quy trình xác minh hoặc cố ý hợp tác với đối tác không tin cậy.

"Qua nội dung này, tôi cũng đề xuất cần quy định rõ ngưỡng xác định người có ảnh hưởng như số lượng người theo dõi hay lượt tương tác để tránh áp dụng tùy tiện", đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị.

Thứ ba, tại khoản 6 Điều 23 quy định về quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Dự thảo Luật đã quy định yêu cầu người quảng cáo nước ngoài khi có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam.

Đại biểu cho rằng, đây là một bước quan trọng, tạo đầu mối pháp lý rõ ràng trong nước để cơ quan quản lý giám sát và xử lý khi có vi phạm, nhưng vẫn chưa đủ để quản lý toàn diện hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, thiếu quy định bắt buộc về đăng ký, lưu trữ dữ liệu và báo cáo của các tổ chức nước ngoài cho cơ quan quản lý Việt Nam và cũng chưa đủ rõ ràng để buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chịu trách nhiệm điều chỉnh đầy đủ của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Luật An ninh mạng đã có quy định về trách nhiệm lưu trữ và đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết kèm theo hồ sơ Dự án Luật, tại khoản 1 Điều 15 đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối để liên hệ, yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm nghĩa vụ cung cấp thông tin của những tổ chức, cá nhân này lại chưa được nêu cụ thể tại Dự thảo Luật.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung là tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ dữ liệu liên quan đến hoạt động quảng cáo phát sinh tại Việt Nam, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trường hợp cung cấp dịch vụ quảng cáo thông qua nền tảng số, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Thứ tư, trong Dự thảo Luật không sửa đổi, bổ sung Điều 27 về quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng rôn. Tại điều này đã quy định thời hạn treo băng rôn là không quá 15 ngày, tuy nhiên lại chưa quy định về thời hạn quảng cáo trên bảng quảng cáo.

Trên thực tế, đối với bảng quảng cáo thì chủ yếu là ngoài trời và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết nên dễ bị mờ và bị rách trong một khoảng thời gian, nhiều bảng quảng cáo vì nhiều lý do không thay, không gỡ bảng khi bị mờ, bị rách gây mất mỹ quan.

"Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung một khoản tại Điều 27 hoặc bổ sung vào cuối khoản 4 về thời hạn quảng cáo trên bảng quảng cáo hoặc phải gỡ bỏ khi quảng cáo bị mờ, bị rách", đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×