Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang tổ chức tốt công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước và phòng, chống xâm hại trẻ em

10/07/2021 | 08:15

Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE ngày 20/4/2021 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em”, từ đầu năm 2021 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã kịp thời ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp chặt chẽ, tăng cường thực hiện nhiều mô hình, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tố giác tội phạm”; nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng và biện pháp phòng, chống đuối nước, phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em bị đuối nước và bị xâm hại, bạo lực.

Các ngành, các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng dân cư để phổ biến các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em cho đoàn viên, hội viên, cha mẹ, giáo viên và gia đình; hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt trẻ em nhỏ tuổi; truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111; tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một số hoạt động nổi bật như: Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã và đang triển khai rộng khắp các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.

Kiên Giang tổ chức tốt công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước và phòng, chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em cùng cha mẹ tham gia Ngày hội gia đình tiêu biểu tỉnh Kiên Giang năm 2020 (Ảnh minh họa – Quỳnh Như)

Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức 238 cuộc họp dân tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, có hơn 8.300 lượt người dự; tổ chức 13 cuộc giao lưu đối thoại tuyên truyền trong trường học nhằm nâng cao nhận thức, hành động, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai kế hoạch của ngành thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội treo 235 băng rôn tuyên truyền các thông điệp, phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em; cấp phát 40 cuốn “Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại”. Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Kiên Giang tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em; phối hợp Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên thực hiện 05 cuộc tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và phống, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và Ủy ban nhân dân cùng cấp lồng ghép tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngay tại địa bàn dân cư; tích cực thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều hình thức: qua các hội nghị, sinh hoạt các chi, tổ, hội, các đoàn thể, các “Nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật”, bản tin công tác Mặt trận, Trang thông tin điện tử, bản tin các đoàn thể chính trị - xã hội, các buổi tiếp công dân, các ngày sinh hoạt của các tôn giáo, dân tộc, hội nghị gặp gỡ tiếp xúc cử tri…, kết quả được 1.205 cuộc, gần 29.700 lượt người tham dự.

Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền trẻ em, phòng ngừa, xâm hại, bạo lực trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, duy trì mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở 10 xã; 04 lớp dạy bơi; mô hình “Kết nối, chuyển gửi tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại 02 xã; mô hình “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng” tại 02 xã; mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em” tại 02 xã. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh trẻ em; các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa… Các ngành, các cấp, cộng đồng quan tâm hỗ trợ, thăm hỏi động viên, tặng tiền và quà trị giá trên 2,692 tỷ đồng cho 9.255 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…, vào dịp Tết Nguyên đán. Vận động Chương trình Quỹ sữa vươn cao với số lượng hơn 430 người lớn, trẻ em ở 04 cơ sở bảo trợ xã hội, trị giá  274 triệu đồng; Chương trình “Hành trình cuộc sống” hỗ trợ 100 chiếc xe đạp cho học sinh do Bảo hiểm Nhân thọ AIA tài trợ; 5 tháng đầu năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động hỗ trợ 3.508 xuất quà trị giá 459 triệu đồng cho trẻ em nghèo, hiếu học.

Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho trẻ em thông qua hệ thống Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa  - Thể thao các cấp được quan tâm tổ chức; dịp Tết Nguyên đán, một số nơi tổ chức 61 hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, họp mặt trẻ em với quy mô nhỏ, thu hút hơn 8.000 trẻ em tham gia; phong trào rèn luyện thể dục, thể thao trong trường học được đẩy mạnh góp phần rèn luyện thể chất, trí tuệ, sinh hoạt vui chơi lành mạnh giúp các em linh hoạt, sáng tạo. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em với hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học duy trì góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, tạo môi trường rèn luyện tốt cho các em.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho cộng đồng và trẻ em, nên hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người như truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tập huấn, trang bị kỹ năng sống, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, lễ hội, du lịch cho trẻ em tham gia. Mặt khác, thống kê trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm, qua tiếp nhận tin báo, tố giác của công dân đã phát hiện 06 vụ vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em, đã tiến hành khởi tố 05 vụ, đang tiếp tục điều tra làm rõ 01 vụ. Từ ngày 01/01 đến 15/5/2021, toàn tỉnh còn xảy ra 53 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 03 em bị tai nạn đuối nước.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của tỉnh đã ban hành thực hiện Quyết định 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc xâm hại trẻ em, vi phạm quyền của trẻ em. Thường xuyên theo dõi, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch liên quan về công tác trẻ em./.

Theo Sở VHTT Kiên Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×