Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

07/10/2022 | 17:12

UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn số 1818/UBND-KGVX ngày 04/10/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Kiên Giang tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong nội dung công văn, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tại các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, cộng đồng lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chú trọng hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân cho trẻ em. Làm tốt công tác phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sở Văn hóa và Thể thao: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm các thành viên trong gia đình trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình. Hướng dẫn gia đình và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục.

Sở Y tế: Tổ chức lồng ghép hoạt động phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em và hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong các đơn vị và cơ sở y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; chỉ đạo Trung tâm Pháp y tỉnh ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng khi tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn. Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm ngay khi có thông tin liên quan về các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra. Xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Theo Sở VHTT Kiên Giang


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×