Kiên Giang nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở
14/08/2021 | 09:01Những năm qua, việc thực hiện Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực văn hóa cơ sở đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Sau khi các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể, huyện, thành phố; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các văn bản quy định về lĩnh vực văn hóa cơ sở đi vào cuộc sống và đáp ứng tình hình thực tiễn, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở.
Về hoạt động quảng cáo, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch quảng cáo trên phạm vi toàn đảo Phú Quốc giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề án tổng thể quảng cáo ngoài trời và xây dựng, lắp đặt bảng chỉ dẫn các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2040. Trong hoạt động quản lý về lĩnh vực quảng cáo, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; đã tiến hành kiểm tra 136 cơ sở. Trong đó nhắc nhở, cảnh cáo, buộc tháo dỡ 81 cơ sở; buộc viết cam kết, tháo dỡ 53 cơ sở; lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 24 cơ sở. Về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở kinh doanh hoạt động vũ trường; có 179 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, với 1.317 phòng được đăng ký hoạt động. Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở tiến hành 06 đợt thanh tra, kiểm tra tại 15 huyện, thành phố. Nhìn chung, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hoạt động lĩnh vực karaoke thực hiện đúng các quy định, chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào bị xử phạt vi phạm các quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Việc tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng, kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sự chuyển biến tích cực, sự chuyển đổi hành vi, nhận thức của người dân được tốt hơn, hình thành các chuẩn mực của nếp sống văn minh. Toàn tỉnh hiện có 37 lễ hội được tổ chức hàng năm, trong đó có một số lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, gắn kết trong cộng đồng.
Việc xét tặng các danh hiệu văn hóa được thực hiện khá tốt, nhất là hướng dẫn cơ sở tổ chức đăng ký, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 90,84% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 93,59% ấp, khu phố văn hóa; 93,66% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 64,95% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 35,71% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Về thiết chế văn hóa, những năm gần đây, tỉnh đầu tư xây dựng mới Thư viện tổng hợp tỉnh, Nhà thi đấu đa năng; cải tạo, nâng cấp sân vận động tỉnh, Công viên Văn hóa An Hòa; xây dựng hậu cứ và trang thiết bị cho Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Đoàn nghệ thuật Khmer; nâng cấp rạp chiếu bóng Thắng Lợi, trùng tu, tôn tạo các di tích, sữa chữa, xây dựng một số tượng đài, bia lưu niệm. Đến cuối năm 2020, có 13 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh; 62 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được hoàn thành; 940 ấp, khu phố kết hợp trụ sở ấp, khu phố làm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần hình thành thêm những điểm sinh hoạt văn hóa, tạo ra phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc triển khai các văn bản về lĩnh vực văn hóa cơ sở gặp nhiều khó khăn. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực văn hóa cơ sở. Việc phân bổ kinh phí thực hiện các văn bản chưa thỏa đáng, có nhiều văn bản ban hành nhưng không có hoặc có rất ít nguồn kinh phí để thực hiện. Cán bộ, công chức phụ trách luân chuyển liên tục, dẫn đến việc theo dõi, nghiên cứu, nắm bắt các văn bản chưa sâu sát, thường xuyên bị gián đoạn. Một số văn bản hiện nay những quy định không còn phù hợp với sự phát triển của thực tiễn như các văn bản quy định xét tặng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng các Trung tâm Văn hóa -Thể thao, quảng cáo… Những hạn chế, khó khăn đang làm cho bước chuyển của đời sống văn hóa cơ sở vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở thì các văn bản về lĩnh vực văn hóa cơ sở cần sớm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để tạo cơ sở và môi trường thuận lợi cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa ở cơ sở ngày càng tốt hơn.
Theo Sở VHTT Kiên Giang