Kiên Giang nằm trong khu vực động lực thúc đẩy du lịch quốc gia
24/06/2024 | 11:31Kiên Giang nằm trong cực tăng trưởng quốc gia khu vực phía Nam, khu vực động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển; trong đó, TP. Phú Quốc là 1 trong 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, TP. Hà Tiên là một trong những điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia...
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái, quy hoạch chia không gian du lịch Việt Nam phát triển gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính và 11 trung tâm du lịch. Kiên Giang nằm trong khu vực động lực gồm Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau sẽ thúc đẩy du lịch toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam. Riêng Phú Quốc là 1 trong 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, Hà Tiên là một trong những điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia...
Trên cơ sở đó, Kiên Giang góp phần cùng các tỉnh, thành phố hoàn thành mục tiêu đón 25-28 triệu lượt du khách quốc tế, 130 triệu lượt du khách nội địa vào năm 2025; đến năm 2030 đón 35 triệu lượt du khách quốc tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới; tầm nhìn đến năm 2045 du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, là điểm đến nổi bật toàn cầu và trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
“Thế mạnh nổi trội của Kiên Giang là du lịch biển, đảo nên phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch trong quy hoạch. Quy hoạch nhấn mạnh khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Ngoài ra, tỉnh phát triển tốt các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế… Cùng với đó, sản phẩm du lịch của tỉnh gắn kết, khai thác tốt tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; đô thị đặc thù như đô thị di sản Hội An, Huế; đô thị trọng điểm phát triển du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết… Tỉnh còn khai thác tốt kinh tế đêm đều là các thế mạnh mà du lịch tỉnh có thể phát huy nhiều hơn trong thời gian tới”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái nói.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng Kiên Giang có nhiều lợi thế phát triển du lịch theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Ngoài du lịch biển, đảo, tỉnh còn có du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên, nhất là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển, rừng ngập mặn, miệt vườn, sinh thái hang động, sông, đầm...
Các loại hình du lịch mới theo xu hướng thị trường gồm du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch MICE; du lịch giáo dục; du lịch du thuyền… Thêm vào đó là sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm giúp Kiên Giang có hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đây là cú hích để du lịch Kiên Giang tiếp tục phát triển, đóng góp lớn cho ngành du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết vui mừng trước thông tin Hà Tiên là địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030, bởi lúc này địa phương được ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. “Theo tôi Hà Tiên cần phát triển nguồn nhân lực du lịch song song với công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch khu vực và thế giới; đa dạng hóa mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp xu hướng và yêu cầu phát triển… để Hà Tiên sẵn sàng trở thành khu du lịch quốc gia trong thời gian sớm nhất”, ông Hạnh nói.
Theo Báo Kiên Giang