Kiên Giang: Hướng đến mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
06/11/2023 | 11:21Du lịch Kiên Giang có bước phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điểm sáng Phú Quốc
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc được xây dựng trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực vào năm 2030. Với lợi thế vượt trội, Phú Quốc thu hút nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đầu tư như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, Movenpick, Sheraton, Wyndham, Pullman, Melia, A la carte, Crowne Plaza, IHG, Dusit International...
Nhiều dự án du lịch, khu vui chơi, giải trí đẳng cấp đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như vườn thú Safari, công viên chủ đề VinWonders, thành phố không ngủ Grand World, cáp treo An Thới - Hòn Thơm cùng hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp với hơn 24.000 phòng, trong đó có 26 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao với 11.252 phòng.
Hoạt động lữ hành phát triển; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện… tạo thuận lợi, góp phần cho du lịch Phú Quốc phát triển nhanh, đóng góp lớn vào doanh thu du lịch của tỉnh Kiên Giang.
Theo lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc, giai đoạn năm 2018 đến tháng 6/2023, lượng du khách đến Phú Quốc đạt gần 10 triệu lượt, trong đó du khách quốc tế đạt gần 1,9 triệu lượt; mỗi ngày Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khoảng 40 chuyến bay cất và hạ cánh, vào mùa cao điểm lên đến 140 chuyến/ngày.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp, lượng du khách đến Phú Quốc tuy không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên điều đáng mừng là năm 2023 là năm đầu tiên TP. Phú Quốc thu ngân sách gần chạm mốc 6.000 tỷ đồng.
“Nếu không có gì thay đổi đến cuối năm nay và đầu năm sau, Phú Quốc sẽ có hai đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ. Đây là cơ hội tốt để địa phương tiếp tục quảng bá hình ảnh Phú Quốc đến bạn bè quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp cho biết.
Nhiều giải pháp thúc đẩy
Theo UBND tỉnh, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đặt mục tiêu đón hơn 1,6 triệu lượt du khách quốc tế, 22 triệu lượt du khách nội địa năm 2030, tăng bình quân 10%/năm, doanh thu đạt 4.900 triệu USD, tăng bình quân 18,4%/năm, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh...
Để phấn đấu đạt mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người làm du lịch về vai trò quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch và đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành sản phẩm du lịch mới, khác biệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững, chú trọng công tác điều phối vùng du lịch đồng bộ, hiệu quả trong hoạch định chính sách, nhất là chính sách liên quan đến phát triển bền vững…
Hiến kế xây dựng du lịch Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất Kiên Giang nên có chương trình kích cầu du lịch tổng hợp và cần có một “nhạc trưởng” là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để điều phối hiệu quả hoạt động này, bởi kích cầu du lịch là hoạt động có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Do đó, vị “nhạc trưởng” phải phát huy vai trò điều phối, cân đối quyền lợi, lợi ích cho các đơn vị tham gia; đồng thời chương trình kích cầu phải kết hợp thực hiện chương trình truyền thông chung, rộng lớn, lan tỏa để chương trình kích cầu hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cần tổ chức lễ hội, chương trình du lịch mang tầm vóc quốc tế, quốc gia để gây ấn tượng, thu hút du khách...
Thường trực UBND TP. Phú Quốc khẳng định Phú Quốc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm, dứt diểm trường hợp bao chiếm, tái chiếm đất dự án; tập trung quảng bá hình ảnh Phú Quốc đến các nước trong khu vực và thế giới…
“Phú Quốc tăng cường rà soát, hướng dẫn cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ, thiết kế tour, tuyến linh hoạt, đa dạng phục vụ khách. Phú Quốc kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm như cảng hành khách quốc tế Dương Đông, khu phi thuế quan Phú Quốc… Kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư; kết nối lại, mở rộng các đường bay quốc tế đến Phú Quốc và ngược lại…”, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Võ Thị Tuyết Nhung cho biết thời gian tới địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đồng thời kêu gọi đầu tư hạ tầng phát triển du lịch; thành lập mới tuyến du lịch ven sông Cái Lớn; tham quan cơ sở thủ công như nuôi ong lấy mật, tham quan quy trình sản xuất rau an toàn và mua sản phẩm lưu niệm từ tranh vỏ tràm; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch đặc sắc, đặc trưng vùng U Minh Thượng nhằm tạo điều kiện cho du khách nâng cao tính trải nghiệm...
Theo Báo Kiên Giang