Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc

04/11/2021 | 09:06

Những năm qua cùng với việc quan tâm tổ chức các môn thể thao hiện đại, tỉnh Kiên Giang còn chú trọng duy trì bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Tỉnh Kiên Giang có ba dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh. Những năm qua cùng với việc quan tâm tổ chức các môn thể thao hiện đại, tỉnh còn chú trọng duy trì bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Có dịp đến các vùng quê của tỉnh Kiên Giang, dễ dàng bắt gặp không khí thi đấu vui tươi, sôi động, đoàn kết ở các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Kéo co, Đẩy gậy, múa Lân sư rồng, Đua ghe ngo, Đua thuyền truyền thống, Đua vỏ, Nhảy bao, Đá cầu… Điểm cơ bản của những môn thể thao dân tộc là không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, khá đơn giản, dễ chơi, quy tụ đông đảo mọi người cùng tham gia; không phân biệt giới tính, tuổi tác. Chính cái không khí đông vui, tưng bừng náo nhiệt, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc ở các cuộc thi đấu Kéo co, Đẩy gậy, Đua ghe ngo… lại rất phù hợp với không gian các lễ hội, ngày lễ, tết, ngày hội, hội thao. Do đó, bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển các môn thể thao hiện đại, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc thông qua các môn thể thao dân tộc, ngành Văn hóa và Thể thao luôn khuyến khích các huyện, thành phố trong tỉnh lồng ghép các nội dung thi đấu thể thao dân tộc vào các dịp lễ, tết, ngày hội, Đại hội Thể dục thể thao (TDTT), Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

Kiên Giang bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 1.

Niềm vui chiến thắng của các cô gái Kiên Giang ở một Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia - Ảnh: PV

Trong hệ thống thi đấu các giải thể thao, hội thao định kỳ hàng năm từ tỉnh đến cơ sở, ngoài các môn thể thao được đông đảo Nhân dân yêu thích là Bóng đá, Bóng chuyền, Karate, Taekwondo, Cờ vua, Cầu lông, Việt dã, Quần vợt, Điền kinh…, các môn thể thao dân tộc ngày càng được tổ chức nâng lên về chất lượng chuyên môn, số đơn vị, số vận động viên tham gia, lượt người xem cổ vũ đông hơn. Tại Đại hội TDTT cấp xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố, đa số các địa phương đều chọn tổ chức giải Đẩy gậy, Kéo co, Đua ghe ngo, Đua thuyền truyền thống, Vovinam, Võ cổ truyền, bên cạnh các giải Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông, Điền kinh, Việt dã… Nếu như, các huyện, thành phố nơi có đông đồng bào Hoa thường chọn biểu diễn Lân sư rồng vào các dịp hội hè, lễ hội đầu xuân, thì vào dịp đón Tết Chol Chnăm Thmay, Đolta, hay Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer là tưng bừng Đua ghe ngo, Đẩy gậy, Kéo co, Võ cổ truyền, Đua thuyền truyền thống. Từ Lễ hội Ok-Om-Bok, tỉnh Kiên Giang nâng lên thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer được tưng bừng tổ chức hàng năm tại huyện Gò Quao để đồng bào các dân tộc Khmer, Kinh, Hoa, Chăm… khắp các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh cùng nhau chung vui thưởng ngoạn các màn trình diễn văn hóa văn nghệ, thi diễn thời trang, triển lãm tranh, ảnh, hiện vật, trình diễn các làng nghề truyền thống, đọc sách… và hòa mình vào các cuộc tranh tài thể thao.

Từ giải đấu thể thao quần chúng cấp xã, huyện, Đại hội TDTT các cấp, Hội khỏe Phù Đổng…, tỉnh đã tuyển chọn được nhiều vận động viên xuất sắc vào đội tuyển tỉnh tham dự và đạt thành tích ấn tượng tại các giải thể thao dân tộc khu vực, toàn quốc và quốc tế. Trong đó, Đua thuyền truyền thống và Đua ghe ngo là một trong những môn thể thao thế mạnh, truyền thống của Kiên Giang. Các cô gái đội thuyền truyền thống Kiên Giang còn vinh dự mang huy chương về cho Tổ quốc tại các kỳ SEA Games.

Kiên Giang bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 2.

Thi đấu Đẩy gậy tại Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Gia Bảo

Nhiều giải đấu ở sân chơi cấp khu vực (Đua ghe ngo, Đẩy gậy, Kéo co, Đua thuyền truyền thống) được tổ chức tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ, Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội Ok-Om-Bok – Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng. Những năm qua Tổng cục TDTT cũng duy trì tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số chia theo khu vực; các giải trẻ quốc gia, vô địch quốc gia ở các môn: Võ cổ truyền, Vovinam, Đẩy gậy, Kéo co, Vật dân tộc, Đua thuyền truyền thống, Đua ghe ngo…, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc mang nét đặc sắc, riêng có, hấp dẫn. Đặc biệt, Đại hội Thể thao toàn quốc, ngày hội lớn nhất của những người làm công tác TDTT cả nước được định kỳ 4 năm tổ chức cũng quan tâm đưa một số môn thể thao dân tộc vào chương trình thi đấu.

Tiếp tục khôi phục, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, là một trong những nhiệm vụ chung của ngành TDTT trong giai đoạn mới. Đó cũng là nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT đề cập tại dự thảo Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, các môn thể thao mới, thể thao giải trí gắn kết với hoạt động du lịch nhằm góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và góp phần phát triển du lịch”./.

Theo Sở VHTT Kiên Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×