Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh và An Giang

23/02/2016 | 13:42

Ngày 18.02, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Lê Khánh Hải làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.

Trước đó, từ ngày 17.02.2016, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái dẫn đầu đã kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là Hội xuân núi Bà Đen. Ngày 19.02.2016, đoàn tiếp tục kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại tỉnh An Giang.

“Thời gian lễ hội còn kéo dài, không được lơ là, chủ quan!”


Tại tỉnh Quảng Ninh, Đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Khánh Hải dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra thực tế tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và đền Cửa Ông. Báo cáo với Đoàn công tác về công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân 2016 trên địa bàn, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 59 lễ hội lớn nhỏ diễn ra thường niên.

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành và đoàn thể về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016.

Ngoài ra, tại các địa phương trong tỉnh đều đã thành lập các Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức đảm bảo đúng theo quy định tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường và xử lý chất thải, bố trí khu đỗ xe, nhà vệ sinh hợp lý phục vụ du khách, thực hiện niêm yết giá các dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, không treo, bày bán thịt động vật, thịt thú rừng...

Tại khu di tích lịch sử đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đã triển khai xong công tác giải phóng mặt bằng 69 hộ của vùng lõi di tích, 6 cơ quan doanh nghiệp thuộc phạm vi quy hoạch. Xây dựng đường giao thông kết hợp kè chống sạt lở trị giá 155 tỉ đồng. Kiện toàn Ban quản lý khu di tích và các tổ công tác (tổ kiểm két, tổ thủ từ, tổ vệ sinh...). Tổ chức bố trí người thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu, tiền công đức, thu nhận tiền, vật chất do nhân dân công đức.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đền Cửa Ông đã thu hút trên 20 vạn lượt nhân dân và du khách đến tham quan. Tổng số tiền công đức là trên 7 tỉ đồng, trong đó từ ngày mùng 1 Tết đến nay là 6 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015 cả về lượng khách và tiền công đức.

Để chuẩn bị cho lễ hội Yên Tử năm 2016, UBND TP Uông Bí đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây và hoàn thiện một số công trình, dự án trong đó có công trình xây dựng tuyến đường hành hương kết nối Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí) đến khu di tích chùa Hồ Thiên - Ngoạ Vân (thị xã Đông Triều), xây dựng 6 điểm dừng chân cho khách hành hương trong tuyến đường nội vi đi bộ từ chùa Giải Oan lên chùa Bảo Sái. Tính từ ngày mùng 1 Tết đến nay, Khu di tích Yên Tử đã đón tiếp trên 28 vạn lượt du khách.

Tại Hải Dương, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Ông Nguyễn Khắc Minh, Giám đốc Ban quản lý di tích cho biết để chuẩn bị cho lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2016, chính quyền địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các bộ phận chuyên môn khẩn trương triển khai kế hoạch đã được xây dựng. Sắp xếp bến bãi, dịch vụ hàng quán gọn gàng sạch sẽ, giải toả các hàng quán ở khu vực đường lên. Núi Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên trả lại không gian, cảnh quan cho di tích, giải toả các tụ điểm xe ôm ở bến xe Côn Sơn, cổng đền Kiếp Bạc gây cản trở giao thông. Phối hợp với Công an thị xã Chí Linh tăng cường lực lượng an ninh tại khu vực nội tự, cổng vé. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức về quy định cấm đổi tiền lẻ và các hoạt động mê tín dị đoan. Bổ sung thêm hệ thống thùng rác tại khu vực núi Côn Sơn, Ngũ Nhạc. Kiểm tra, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn cho lễ hội.

 
Ảnh từ trên xuống, trái sang: Trong hai ngày 17-18.02, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã kiểm tra tại Yên Tử, Cửa Ông (Quảng Ninh), Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) và Núi Bà Đen (Tây Ninh)

Đánh giá kết quả sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn công tác cho rằng so với mọi năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương đã chuyển biến tích cực và chuyên nghiệp hoá. Các bộ phận chuyên môn hoạt động bài bản, khoa học. Tại các khu di tích, cảnh quan được chỉnh trang nâng cấp, đặc biệt là khu di tích đền Cửa Ông đã di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng lõi của di tích, quy hoạch, di dời các khu chức năng ra ngoài khuôn viên di tích, tạo điều kiện cho du khách khi về hành hương. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đoàn công tác tại khu di tích Yên Tử hiện có nhiều công trình đang được xây dựng. Tại khu vực chùa Hoa Yên có một số tháp, am thờ được đặt chưa rõ nguồn gốc, hồ sơ, chưa báo cáo với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL.

Phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, Thứ trưởng Lê Khánh Hải biểu dương những nỗ lực của hai địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều công trình, dự án chỉnh trang đô thị được đưa vào khai thác tạo cảnh quan, thuận tiện cho du khách tham dự lễ hội. Công tác đảm bảo ANTT, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý với hai địa phương do thời gian lễ hội còn kéo dài, thời điểm này vẫn chưa phải lúc cao điểm nhất.

Do vậy, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đặc biệt vào những lúc đông du khách. Cần có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khoẻ và tài sản cho du khách khi tham gia lễ hội. Đối với các công trình hiện đang được triển khai tại khu di tích Yên Tử, cần đảm bảo không để ảnh hưởng tới du khách khi tham gia hành hương, bố trí các quầy hàng dịch vụ tạm thời nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ không để nhếch nhác. Liên quan đến một số tháp, am thờ tại khu vực chùa Hoa Yên, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan của tỉnh Quảng Ninh sớm trình hồ sơ, báo cáo chi tiết, cụ thể lên cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL.

Không để các sai phạm ảnh hưởng xấu đến môi trường lễ hội

 
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh

Báo cáo với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái dẫu đầu, ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VHTTDL Tây Ninh cho biết, tính đến nay, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra theo đúng nếp sống văn minh, trật tự, ý nghĩa… đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh, đời sống tín ngưỡng của người dân. Riêng Hội xuân núi Bà 2016 diễn ra tại Khu di tích lịch sử văn hóa danh thắng và du lịch cấp quốc gia núi Bà Đen đã đón trên 743.000 lượt du khách. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên nên năm nay, không có hiện tượng khách hành hương đặt tiền lễ, công đức lên bàn thờ, gài tiền lẻ vào tượng Phật; nạn trộm cắp, gây rối, xóc thẻ, bói toán cúng thuê, đốt đồ mã… gần như không có. Việc quản lý thu, chi tiền công đức và các khoản khác từ lễ hội được thực hiện công khai, minh bạch. Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh… cho du khách luôn được thực hiện 24/24, đúng theo quy định. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí diễn ra lành mạnh. Nhiều bảng chỉ dẫn thoát nạn được lắp ở nơi dễ thấy để du khách dễ nhận biết, lánh nạn khi sự cố xảy ra, hệ thống loa phát thanh thường xuyên tuyên truyền trong toàn khu di tích về tình hình an ninh trật tự đến du khách…

Kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận và biểu dương Ban tổ chức Hội xuân núi Bà đã làm tốt công tác tổ chức, môi trường lễ hội văn minh, xanh, sạch, đẹp... tạo ấn tượng thân thiện trong lòng du khách, góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người dân về hoạt động lễ hội. Phấn khởi về sự chuyển biến tích cực của lễ hội năm nay, bà Trần Lệ Thanh (khách hành hương từ TP.HCM) bày tỏ: “Nhờ có lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn nhiệt tình nên bà và các thành viên trong gia đình không phải chen lấn hành lễ như trước đây. Giá cả hàng hóa, dịch vụ ở đây cũng phải chăng, đặc biệt năm nay không thấy tình trạng ùn tắc giao thông, người ăn xin đeo bám, cảnh quan trang trí đẹp, nhìn mọi người ai cũng phấn khởi, yên tâm và hài lòng”.

 
Kiểm tra công tác lễ hội tại chùa Núi Bà Đen

Nói về kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Hội xuân núi Bà 2016 chia sẻ, để chuẩn bị chu đáo cho lễ hội diễn ra văn minh, tỉnh đã thành lập Ban tổ chức trước đó ba tháng, với sự tham gia đầy đủ của nhiều ngành liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương nếu để xảy ra sự cố, tệ nạn, biến tướng trong lễ hội. Xây dựng chi tiết từng kế hoạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát chéo trách nhiệm lẫn nhau giữa các đơn vị để kịp thời phát hiện và xử lý từng điểm nghẽn. Tuyệt đối không du di cho những sai phạm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường lễ hội. Đặc biệt, để dẹp nạn “chặt chém” giá, Ban tổ chức lập quy chế cho các hộ kinh doanh trong khu vực ký cam kết bán đúng giá niêm yết, và đúng chất lượng, hộ nào sai phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Ông Ngọc nhấn mạnh, muốn hoạt động lễ hội diễn ra văn minh, phải luôn luôn nằm trong sự chỉ đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền, chứ không thể thả nổi, buông lỏng quản lý.

Đánh giá cao kinh nghiệm tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Tây Ninh tiếp tục nhân rộng các mô hình hay và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác trong cả nước nhằm đưa lễ hội ngày một đi vào nề nếp, văn minh. Dứt khoát không để tệ nạn, hủ tục biến tướng xuất hiện trong lễ hội. Phải giữ được các giá trị tốt đẹp của lễ hội, vốn quý của văn hóa dân tộc. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng lưu ý, hiện nay tuy chưa thống nhất được mô hình quản lý chung về lễ hội, do đặc điểm khác nhau của từng vùng miền, tuy nhiên, các địa phương cần luôn gắn hoạt động lễ hội với du lịch tâm linh để thu hút du khách, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng của nhân dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là bảo tồn và phát huy được truyền thống, bản sắc, di sản văn hóa của cha ông.


CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×